Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển công nghiệp chế biến: Nâng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến là giải pháp quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh, giá trị xuất khẩu nông sản. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam luôn nằm trong nhóm tốp những quốc gia dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu nông sản nhưng giá trị thu về lại chưa xứng với tiềm năng.

Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình).
Sản lượng cao, giá trị thấp
Theo số liệu thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản duy trì mức tăng trưởng 5 - 7%/năm. Nhờ vậy đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Hiện tỷ trọng mặt hàng thô, sơ chế chiếm tới hơn 90% tổng sản lượng xuất khẩu, song giá trị kinh tế thu về lại tương đối thấp. Một số mặt hàng nông sản thế mạnh của nước ta như gạo, chè, cao su, hồ tiêu, hạt điều… luôn đứng top 10 thế giới nhưng lại chỉ xuất thô, chưa được chế biến sâu.
Bên cạnh việc đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch trong sơ chế và bảo quản rau quả, cần tập trung nghiên cứu về giống để tạo được sản phẩm rau quả tươi có chất lượng cao và thời gian bảo quản lâu dài, đồng thời đầu tư xây dựng nhà xưởng đóng gói tại vùng nguyên liệu.

Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) Trần Ngọc Quân cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả năm 2018 đạt 3,8 tỷ USD và dự báo giá trị xuất khẩu sẽ ngày càng tăng do rau quả Việt Nam đang hướng tới các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand… Tuy nhiên, so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô theo đường tiểu ngạch, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ATTP. “Nguyên nhân chính xuất phát từ hạn chế của công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Cụ thể, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch tới 25% đối với các loại quả; hơn 30% với các loại rau; 20% với các loại củ” – ông Quân nhấn mạnh.

Hiện, cả nước có hơn 7.500 DN chế biến có quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hơn 2.600 cơ sở chế biến nông sản. Tuy nhiên, trình độ chế biến nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp so với thế giới. Đa số DN chế biến có quy mô nhỏ lẻ, gần 80% là chế biến thô, công suất chỉ đạt 5 - 10% sản lượng nông sản.

Gỡ nút thắt

Thực tế cho thấy, phần lớn DN trong lĩnh vực nông nghiệp thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, vốn, chính sách hỗ trợ... Thời gian qua, mặc dù chủ trương của Chính phủ là ưu tiên áp dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp, ưu tiên khuyến công, trong đó có công nghiệp chế biến song chính sách hỗ trợ chưa nhiều và chưa đạt hiệu quả trong thực tế.

Để nâng cao năng lực chế biến cho DN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quan trọng nhất là các DN phải thay đổi tư duy, từ ưu tiên số lượng sang chất lượng. Theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng, DN phải tiến tới sản phẩm nông sản xuất khẩu không chỉ tập trung vào số lượng mà cần quan tâm về chất lượng và giá trị. Việt Nam đang từng bước tiếp cận các thị trường cao cấp, hướng tới giảm phụ thuộc vào Trung Quốc nên rất cần đầu tư khoa học kỹ thuật, các công nghệ và thiết bị hiện đại nhằm tìm ra cách thức bảo quản rau quả có hiệu quả và phù hợp nhất.

Về phía DN, Giám đốc Công ty CP Smart Agri Việt Nam Lưu Thị Thảo kiến nghị, Chính phủ cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận về đất đai để xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến, vùng nguyên liệu; chính sách vay vốn, giảm thuế cho DN trong giai đoạn đầu khi mới bắt đầu đầu tư, đặc biệt là chính sách ưu tiên cho DN ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, các bộ, ngành cần hỗ trợ DN phát triển nguồn nhân lực về chế biến bằng các kế hoạch dài hơi, bài bản; hỗ trợ DN phát triển và vận hành hệ thống quản trị hiện đại.