Phát triển đô thị thông minh: Quy hoạch thông minh là trụ cột

TS Đào Thị Như - Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đô thị thông minh là xu hướng của thế giới và đang được kỳ vọng như một giải pháp để phát triển đô thị nhằm đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh đã được định hướng tại Quyết định 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2018. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn khá nhiều vướng mắc, hạn chế.

Chú trọng giải pháp mang tính thực tiễn

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định trụ cột cho phát triển đô thị thông minh, gồm: Quy hoạch đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh và tiện ích đô thị thông minh dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị và ứng dụng khoa học công nghệ.

Phối cảnh Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Phối cảnh Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Việt Nam cũng là thành viên của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN từ năm 2018 với 3 đô thị thành viên: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Hiện nay nhiều đô thị, TP tại Việt Nam đang phát triển đô thị thông minh trên các nền tảng và giải quyết các vấn đề khác nhau của đô thị.

Tuy nhiên, phần lớn vẫn tập trung vào ứng dụng tiện ích và lấy tiện ích để quảng bá cho thương hiệu đô thị thông minh, chưa đi sâu vào quy hoạch đô thị thông minh. Nói cách khác có sự lúng túng nhất định khi thực hiện phát triển đô thị thông minh và dường như những tiện ích luôn là điều được nói đến đầu tiên khi nói về đô thị thông minh hiện nay tại Việt Nam.

Quy hoạch đô thị thông minh có phương pháp thực hiện đặc trưng riêng. Trong đó cách tiếp cận dữ liệu và đưa ra phương án có sự trợ giúp của công nghệ kỹ thuật phân tích dữ liệu để đảm bảo độ chính xác, tối ưu trong các quyết định. Quy hoạch đô thị thông minh bắt đầu bằng việc khảo sát, đánh giá những vấn đề, nhu cầu của con người trong thế giới thật (dựa trên dữ liệu lớn) từ đó đưa ra những giải pháp thực tiễn.

Đồng thời sử dụng khoa học dữ liệu để xác định kích thước, vị trí của những khu chức năng (tiểu công viên, sân chơi, khoảng mở rộng lề đường, các không gian xanh hay những khu vườn trong không gian đô thị, phố đi bộ, đường dành cho xe đạp, các vòng xoay giao thông…) thay vì đơn thuần phỏng đoán nơi nào cần những không gian chức năng hay tiện ích này.

Dựa trên cơ sở dữ liệu để lập chính xác mô hình dự báo và kiểm tra chính xác hiệu quả của mô hình trước khi quyết định phương án quy hoạch tối ưu nhất, quy hoạch đô thị thông minh tạo ra những giải pháp độc đáo, mới mẻ, toàn diện cho những bài toán phức tạp; không nhắm vào chiến lược mà chú trọng đến giải pháp mang tính chiến thuật thực tiễn nhiều hơn.

Tiếp cận quy hoạch đô thị thông minh

Quy hoạch đô thị thông minh phải dựa trên cơ sở dữ liệu. Các dữ liệu liên thông sẽ được xử lý để giúp trả lời cho vị trí vấn đề cần được giải quyết. Quy hoạch đô thị thông minh cần ứng dụng công nghệ để phân tích dữ liệu thô thành dữ liệu có khả năng đọc, hiểu. Đôi khi vấn đề có thể được hình dung dễ dàng khi nó là vật thể (lưu lượng giao thông, luồng giao thông…) nhưng khi nó là vấn đề phi vật thể, việc hình dung phạm vi ảnh hưởng có thể trở nên khá khó khăn (ví dụ như ô nhiễm hoặc khả năng điều khiển xe của con người…).

Một công cụ cho phép biến tất cả các dữ liệu thành có khả năng nhìn thấy được dựa trên việc mã hóa thành các dữ liệu không gian là công cụ GIS (Geographic Information Systems – hệ thống thông tin không gian địa lý). GIS cung cấp nền tảng thông tin địa lý, tích hợp rất nhiều thông tin trong cùng một bản vẽ theo các lớp, để quản lý thông tin, đồng thời cho phép tích hợp thông tin theo ý muốn. Biến dữ liệu đơn giản thành dữ liệu không gian (có thể nhìn thấy, đọc được) mới cho phép con người có khả năng đọc hiểu và thúc đẩy sự hợp tác giữa các đối tác trong quá trình hiểu, thực hiện, thống nhất phương án.

Quy hoạch đô thị thông minh có khả năng giúp cho người dùng (nhà quản lý, nhà đầu tư, cộng đồng) tra cứu, cùng tham gia vào quá trình quản lý thực hiện. Đồng thời giúp minh bạch quá trình tham gia, tăng tính hợp tác, đối tác trong phát triển đô thị.

Cuối cùng, quy hoạch đô thị thông minh hướng đến sử dụng các thông tin quy hoạch và phổ biến nó cho các đối tượng có liên quan để họ cùng tham gia vào quá trình quản lý và thực hiện quy hoạch. Điều này tránh các tình huống nhà đầu tư không biết thông tin quy hoạch và do đó cơ hội đầu tư có thể bị bỏ lỡ.

Trong khi thông tin quy hoạch rơi vào tay một số ít nhóm người có thể gây ra hiện tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, đẩy các sản phẩm quy hoạch là nhà ở, không gian định cư trở thành các không gian không được thực hiện chức năng của nó mà chỉ là sản phẩm của đầu cơ để thu lợi ích cho một nhóm người.

Thông tin quy hoạch tích hợp với các thông tin thực sẽ giúp quản lý liên tục, trực tiếp các tình huống thay đổi so với quy hoạch để xử lý kịp thời, tránh hiện tượng làm trái quy hoạch có thể phá vỡ các không gian cảnh quan đô thị. Điều chỉnh quy hoạch cục bộ có thể đè áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị và làm nó bị quá tải như rất nhiều trường hợp hiện nay.

Trong tương lai, có lẽ đô thị thông minh sẽ không còn xa lạ với người dân đô thị khi càng ngày hệ sinh thái này sẽ càng trở nên phổ biến để giúp đô thị đương đầu với các vấn đề phức tạp của phát triển cũng như nhu cầu kết nối không giới hạn của con người.

Các đô thị muốn phát triển trở thành đô thị thông minh cần xác định tầm nhìn, lộ trình dựa trên năng lực và xây dựng nền tảng nhất định. Trong đó quy hoạch đô thị thông minh chính là một trụ cột không thể thiếu đã được Chính phủ chỉ ra trong giai đoạn hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần