Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển du lịch bền vững: Tạo kỳ tích từ điểm đến nông nghiệp, nông thôn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng, nếu biết khai thác và kết nối thì chắc chắn sẽ tạo ra kỳ tích. Các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ mở ra không gian mới cho bản đồ du lịch Việt Nam.

Tiềm năng, dư địa còn rất lớn

Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử  phát triển nền sinh thái nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới. Đa dạng sinh học, đa dạng địa hình, đa dạng tài nguyên là điều kiện cho việc phát triển và tồn tại bền vững cho hệ sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo. Đó chính là điều cốt lõi để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch ở một nước nông nghiệp như Việt Nam.

Du lịch nông thôn ở Đồng Tháp.
Du lịch nông thôn ở Đồng Tháp.

Tại hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững diễn ra ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan lấy ví dụ về câu chuyện làm du lịch cộng đồng của vợ chồng người Mông Tráng A Chu - nơi Thủ tướng đã ghé thăm, động viên ở Vân Hồ, Sơn La. Mặc dù là bản làng heo hút, nhưng homestay của vợ chồng Tráng A Chu với 60 phòng nghỉ lúc nào cũng kín khách. Qua đó có thể thấy rằng, tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở nước ta rất lớn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tin tưởng, nếu các tập đoàn du lịch vào cuộc khai thác, hỗ trợ thì chắc chắn sẽ tạo ra kỳ tích.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nhiều di sản, có những di sản đã được UNESCO vinh danh và có những di sản ở trong lòng người dân. Một dòng sông, một ngọn núi, một bản sắc, một thổ cẩm, một điệu khèn… tất cả đều là di sản. Nếu coi di sản là sản phẩm du lịch mới, không chỉ là Sơn Đòong hay Cố đô thì sẽ kéo dài bản đồ du lịch của Việt Nam, sẽ có khác biệt, mang lại giá trị rất lớn.

“Khi đi du lịch cộng đồng nông thôn, nông dân của Thái Lan chúng ta thấy nền du lịch nông nghiệp nông thôn của Thái Lan phát triển dựa trên tiềm năng nông nghiệp. Tại các quốc gia gần với chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng… rất coi trọng vấn đề này. Đây là hình ảnh Quốc gia, hình ảnh thiên nhiên, di sản ông cha ông để lại, câu chuyện huyền thoại từ ngọn núi, con sông”.

Với những tiềm năng và dư địa của ngành du lịch nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Thủ tướng và Bộ VHTT&DL cần vẽ thêm cho bản đồ du lịch Việt Nam, mở rộng không gian du lịch mới. “Rõ ràng du lịch nông nghiệp thực sự giúp chúng ta mở ra bản đồ du lịch mới từ những điểm sẵn có. Chúng ta nên có một tư duy mới về du lịch nông nghiệp. Dù nó mang lại nguồn thu không lớn nhưng đó là sức sống của cộng đồng, là bản sắc văn hóa của các dân tộc” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu ý kiến.

Cần sự dấn thân của các doanh nghiệp lữ hành

Phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. Để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Cảnh đẹp nông thôn mới ở Nam Định.
Cảnh đẹp nông thôn mới ở Nam Định.
 

Đề nghị Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị để cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng về phát triển du lịch nông nghiệp. Mời các doanh nghiệp du lịch đến với chúng tôi để chúng ta vẽ thêm vào bản đồ du lịch Việt Nam. Đó là xu thế khi ngành du lịch trải rộng ra ở khắp các không gian - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Gợi mở hướng hướng kết nối các điểm du lịch, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trăn trở, phải chăng các cộng đồng du lịch đang đầu tư ở Cửa Lò, Sầm Sơn chỉ cần kéo lên các tài nguyên du lịch ở miền núi Tương Dương, Quỳ Hợp, Mường Lát… của Thanh Hóa, Nghệ An thì chúng ta thấy sẽ là 1 sự kỳ diệu rất lớn đối với du lịch; sẽ mở thêm tài nguyên du lịch, kéo dài thêm thời gian lưu trú của du khách. Và như vậy sẽ giúp cho cả 1 cộng đồng bà con dân tộc với những sản phẩm OCOP, thổ cẩm, làn điệu… Đây là điều không có gì quá khó nếu các tập đoàn dấn thêm chút nữa.

Hay ở Nghệ An, nếu kết nối dòng sông Lam lên tới Kỳ Sơn thì có thể thấy bản thân sông Lam là di sản; nếu là sông Mã kết nối từ Mường Lát đổ xuống dưới cũng đã là di sản. Trên hành trình đó biết bao nhiêu cư dân nông thôn đã quần tụ bao đời, trở thành một điểm đến. Thử quy hoạch sông Mã từ khi bước vào địa phận Thanh Hóa trải dài xuống, chỗ nào cũng có điểm dừng chân cho du khách được, không cần quá lớn, chỉ cần chăm chút thêm sẽ trở thành một câu chuyện, du khách có thể ở hàng tuần, nửa tháng để trải nghiệm, khám phá đặc sắc Việt Nam.