Phát triển kinh tế đêm: Vẫn manh mún, nhỏ lẻ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã bước đầu khai thác được lợi thế để phát triển kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, so với các nước như Thái Lan... thì hoạt động này vẫn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có chiến lược bài bản.

Sức hút từ giá trị truyền thống

Từ lâu, một số hoạt động ban đêm đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá và đời sống của một bộ phận người dân địa phương, trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách.

Người dân đi chơi tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
Người dân đi chơi tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện cả nước mới có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch, 1.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điển hình khu chợ đêm trong phố cổ và tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) diễn ra vào 3 ngày cuối tuần đã đón từ 18.000 - 25.000 du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm. Vào những dịp kỷ niệm đặc biệt, lượng khách tăng lên đến 30.000 người.

Nhằm phát triển kinh tế đêm, năm 2022 TP Hà Nội đã đưa thêm hai không gian đi bộ vào hoạt động là phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ)  và Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây). Theo Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm-Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo, trung bình mỗi ngày tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 10.000 lượt khách, ngày cao điểm khoảng 15.000 lượt khách.

“Ngoài các hoạt động văn hóa, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây còn có các dịch vụ ẩm thực, giới thiệu hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng địa phương, góp phần tăng nguồn thu cho kinh tế của thị xã Sơn Tây”- ông Nguyễn Đăng Thao thông tin.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ ". Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ ". Ảnh: Hoài Nam

Bên cạnh những địa điểm quen thuộc nêu trên, năm 2020, ngành công thương Hà Nội đưa sự kiện khuyến mại “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale” thành hoạt động thương niên. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tạo nền móng phát triển kinh tế đêm của TP Hà Nội.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc tổ chức, kéo dài thời gian hoạt động một số dịch vụ ban đêm đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho du khách, góp phần tăng doanh thu cho nền kinh tế. Chia sẻ những lợi ích mà kinh tế đêm mang lại, Tổng Giám đốc công ty Du lịch châu Á Thái Bình Dương Nguyễn Hồng Đài cho biết, phát triển kinh tế ban đêm là một phương cách phát triển kinh tế cao hơn so với phương thức thông thường.

“Một nhà hàng hay khách sạn kinh doanh ban ngày đạt doanh thu chỉ 10 triệu đồng, nhưng hoạt động thêm ban đêm sẽ cho thu nhập tăng thêm gần gấp đôi. Như vậy, cùng một giá trị đầu tư nhưng đã tăng gấp đôi hiệu quả”- ông Nguyễn Hồng Đài phân tích.

Mới tận dụng được những cái có sẵn

Theo Hiệp hội Du lịch Châu Á- Thái Bình Dương, hiện chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam chỉ khoảng 96 USD/ngày, còn Thái Lan là 163 USD/ngày, riêng Bangkok và Phuket đạt hơn 200 USD/ngày, tại Singapore đạt  272 USD/ngày. Trong khi các thành phố lớn trên thế giới đã thu về hàng tỉ USD từ việc phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch thì tại Việt Nam hoạt động này vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có chiến lược phát triển bài bản.

Khách du lịch vui chơi tại phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch vui chơi tại phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, kinh tế ban đêm tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng mới chỉ tận dụng được những cái sẵn có mà chưa nâng tầm khai thác. Một số hoạt động còn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản do thiếu các quy định cụ thể.

“Kinh tế ban đêm của Việt Nam còn manh mún dưới các loại hình như: khu phố đi bộ, mua sắm, ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, chợ đêm, nghệ thuật đường phố…”- ông Nguyễn Minh Phong nêu rõ.

Khẳng định tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của Hà Nội là rất lớn, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, du khách chưa “mặn mà” với du lịch đêm Hà Nội còn bởi việc tổ chức chưa chuyên nghiệp dẫn đến quanh khu vực phố đi bộ "mọc" lên những bãi gửi xe tự phát với giá trông xe “trên trời”; Dịch vụ ăn uống nhiều khi còn để xảy ra tình trạng "chặt chém"...

“Để kinh tế đêm phát triển trước hết phải có quy định bán hàng 24/7, ngành công thương, du lịch phải đa dạng về chủng loại hàng hóa tạo điểm nhấn theo địa phương, từ đó, tạo ra sự khác biệt, tránh trùng lặp”- ông Đinh Trọng Thịnh hiến kế.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale” . Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale” . Ảnh: Hoài Nam

Với chức năng cơ quan quản lý, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cũng cho rằng, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này. "Chúng ta cũng cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý sai phạm; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm"-bà Đặng Hương Giang kiến nghị.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám Đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan nêu rõ, để quản lý được hoạt động kinh tế này đòi hỏi chính quyền phải xây dựng hành lang pháp lý chuẩn về kinh tế ban đêm.

“Việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển"- ông Nguyễn Công Hoan đề xuất.

Do vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, Nhà nước cần thông qua các kế hoạch, chính sách đặc thù khác nhau, đồng thời, cần có quy hoạch cụ thể, không phát triển mô hình này đại trà nếu chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.