Tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay ngành chăn nuôi cả nước ta phát triển rất sôi động và đã bắt đầu xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi như: Lợn sữa, trứng, giống vật nuôi, sữa… Nhưng ngành chăn nuôi cũng phải đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn về giá cả thị trường, dịch bệnh. Vì vậy, để phát triển chăn nuôi thuận lợi, hiệu quả, bên cạnh việc nắm bắt các tín hiệu thị trường, cần phải có các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, nhất là phát triển chăn nuôi tuần hoàn để nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Doãn Lân - Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn là xu thế tất yếu từ giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển. Hiện ngành chăn nuôi nước ta có quy mô đàn lợn gần 28 triệu con, trên 500 triệu con gia cầm, đàn bò trên 6 triệu con… theo đó đã đưa ra hơn 60 triệu tấn chất thải/năm. Nhưng do chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn nên việc xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ, TP Hà Nội là địa phương điển hình của cả nước, tuy là Thủ đô nhưng có tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc tốp đầu. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề xử lý môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn sao cho phù hợp.
Cụ thể, Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 197 nghìn ha, chiếm 58,9% tổng diện tích đất tự nhiên; tổng đàn trâu hiện có 28,7 nghìn con, đàn bò 128,4 nghìn con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn gia cầm 38,7 triệu con, đàn chó mèo 438 ngàn con; có 6515 trang trại chăn nuôi và 730 cơ sở, điểm, hộ giết mổ. Chính từ số lượng, quy mô này đã tạo một lượng chất thải lớn chất thải rắn (phân, chất độn chuồng, thức ăn thừa…) ước khoảng 4,35 triệu tấn/năm; chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, sân chơi….) ước khoảng 2640,05 triệu lít/năm; chất thải từ các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, tiêu huỷ gia súc mắc bệnh, từ các dụng cụ hoá chất sử dụng trong chăn nuôi, phòng trị bệnh.
Theo ông Sơn, chất thải trong chăn nuôi nếu xử lý triệt để thì sẽ là nguồn phân bón dồi dào phục vụ cho cây trồng, giảm đầu tư phân bón đối với trồng trọt, cải tạo chất lượng đất. Những lợi ích cụ thể như sử dụng phân gia súc làm phân bón không chỉ làm tăng năng suất cây trồng, mà còn đem lại nhiều lợi ích khác cho môi trường.
“Tận dụng được nguồn phân động vật bón cây, nhưng không gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và tiết kiệm đáng kể tiền mặt dùng để mua phân bón. Nếu có phân động vật bán thì hiệu quả chăn nuôi lại tăng thêm. Phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất, tăng độ xốp, khả năng giữ ẩm và độ màu mỡ của đất. Bón phân hữu cơ làm chất lượng nông sản tốt hơn, thơm ngon và an toàn hơn…Tuy nhiên với lượng chất thải lớn như trên cũng là những thách thức đặt ra cho các cấp, các ngành và người dân” – ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Phát triển chăn nuôi phù hợp với quy hoạch tổng thể là giải pháp đặt lên hàng đầu
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để xử lý vấn đề môi trường và phát triển tuần hoàn trong chăn nuôi, Hà Nội cần phát triển chăn nuôi phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, đây là giải pháp đặt lên hàng đầu. Hiện tại Hà Nội đã có định hướng và các giải pháp phát triển chăn nuôi từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Theo đó định hướng sản xuất chăn nuôi theo tiểu vùng như vùng gò đồi (gồm các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Quốc Oai) phát triển tập trung các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là bò thịt, bò sữa, lợn thịt, gà thả vườn, các loại con nuôi đặc sản.
Vùng đồng bằng đối với vùng có địa hình cao như (Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Oai …) tập trung phát triển chăn nuôi gà, lợn; đối với vùng thấp trũng (như Ứng Hòa, Phú Xuyên, một phần huyện Mỹ Đức) tập trung nuôi thủy cầm theo hướng trang trại chăn nuôi kết hợp với thủy sản. Vùng bãi ven sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Đà, sông Tích..) phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại gắn với việc bảo vệ vành đai xanh của Hà Nội, các loại vật nuôi chủ yếu bò thịt, bò sữa, lợn, gà.
Bên cạnh đó, cần xử lý chất thải rắn bằng một số công nghệ như bằng hệ thống biogas, vì sử dụng hầm biogas vừa bảo vệ được môi trường vừa có thể thay thế chất đốt hoặc có thể được sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại, sử dụng phân từ phụ phẩm khí sinh học thay thế phân bón hóa học. Hay xử lý bằng đệm lót sinh học (mùn cưa, trấu, phôi bào …) trộn với men vi sinh có thể phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch, không ô nhiễm. Phương thức chăn nuôi này hiện đang được khuyến khích áp dụng đối với chăn nuôi gà. Công nghệ chăn nuôi trên đệm lót sinh học là hướng đi mới và thu đang thu được những kết quả tốt…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cùng với việc sử dụng các giải pháp nêu và được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo đồng bộ cũng như sự đồng thuận của người chăn nuôi, người tiêu dùng, vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng an sinh xã hội.
Theo ông Nguyễn Anh Phong (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), vấn đề kinh tế tuần hoàn đã được văn bản hóa trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ. Nhưng việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tiêu biểu như tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp, hay vấn đề sử dụng phụ phẩm vẫn còn đơn giản, chưa tạo được giá trị gia tăng cao.