Phát triển làng nghề Hà Nội - không chỉ dừng ở việc tôn vinh
Kinhtedothi - Những năm qua, các giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề được UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc ghi nhận, tôn vinh những giá trị truyền thống, việc cần làm là tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách, đề án tổng thể để phát triển bền vững các làng nghề trên địa bàn Thủ đô.
Công nhận mới 14 làng nghề
Bao đời nay, người dân làng nghề ướp trà sen Quảng An (quận Tây Hồ) luôn tự hào khi tạo ra loại trà sen tao nhã, tinh khiết, từng được tiến Vua. Hiện nay, hàng chục hộ dân ở làng Quảng An vẫn gìn giữ cái nghề không chỉ để mưu sinh mà còn là một nghệ thuật, văn hoá.
Bà Lưu Thị Hiền, Trưởng ban đại diện Hội làng nghề truyền thống ướp trà sen Quảng An cho biết, vừa qua, chính quyền và nhân dân phường Quảng An đón nhận niềm vui lớn, khi nghề ướp trà sen nơi đây được UBND TP Hà Nội trao bằng công nhận là nghề truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi để nghề ướp trà sen Quảng An tiếp tục phát triển.
Tại xã Phù Yên (huyện Phú Xuyên), nghề làm giày da thậm chí có sức sống và mức độ lan toả rộng lớn hơn nhiều. 2/2 thôn làng trên địa bàn xã hiện nay vẫn đang bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị từ nghề thủ công truyền thống mà cha ông bao đời để lại.

14 làng nghề được UBND TP Hà Nội công nhận giữa tháng 4/2025
Vừa qua, 2 làng có nghề giày da tại 2 thôn Giẽ Thượng và Giẽ Hạ đã cùng có vinh dự được UBND TP Hà Nội trao bằng công nhận “Làng nghề truyền thống”. Kết quả đưa huyện Phú Xuyên trở thành địa phương đi đầu của TP Hà Nội về phát triển làng nghề.
Cùng với các làng nghề tại huyện Phú Xuyên và quận Tây Hồ, trung tuần tháng 4/2025 vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng đã công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống và làng có nghề truyền thống cho 11 làng nghề khác.
Các làng nghề truyền thống được công nhận gồm: Làng nghề ướp trà sen Quảng Bá (quận Tây Hồ); Làng nghề thêu thôn Cổ Chất (huyện Thường Tín). 3 làng nghề được công nhận là làng nghề Hà Nội gồm: Làng nghề may Chung Chản (huyện Phú Xuyên); Làng nghề mộc Hát Môn (huyện Phúc Thọ); Làng nghề mộc Vạn An (thị xã Sơn Tây).
6 làng có nghề truyền thống được công nhận là: Nghề sản xuất cốm làng Vòng (quận Cầu Giấy); Nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai); Nghề đậu phụ mơ Mai Động (quận Hoàng Mai); Nghề đúc đồng Ngũ Xá (quận Ba Đình); Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội (huyện Đan Phượng); Nghề sản xuất sản phẩm từ cốm phố Hàng Than (quận Ba Đình).
Đồng bộ các giải pháp
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, với việc có thêm 14 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận, tính đến nay, toàn TP đã có 337 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc 24 quận, huyện, thị xã được trao bằng công nhận.
Sự phát triển của các làng nghề đã và đang mang lại những giá trị rất lớn trên khía cạnh kinh tế - xã hội. Dù vậy, khó khăn chưa phải đã hết, đặc biệt là đối với việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề.
Sản phẩm gốm sứ của làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm)
Nghệ nhân Nguyễn văn Chương (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) chia sẻ, hiện nay địa phương vẫn chưa có điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn để quảng bá sản phẩm đến du khách thập phương. Các tour tuyến đưa khách đến thăm quan, mua sắm tại làng nghề cũng rất hạn chế.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, việc công nhận các làng nghề, làng nghề truyền thống, làng có nghề truyền thống là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các nghệ nhân, chính quyền và nhân dân các địa phương trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống.
Để thúc đẩy phát triển làng nghề, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, trong đó đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm. Ưu tiên số 1 là xây dựng và thực hiện chính sách; tiếp đến là áp dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại…
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Hoa đề nghị Phòng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) tập trung tham mưu thực hiện có hiệu quả Quyết định số 282/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP của các làng nghề, từng bước hình thành các điểm đến du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. Đồng thời, tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP và làng nghề Hà Nội.
Hà Nội sẽ tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề quốc tế
Kinhtedothi - Năm 2025, TP Hà Nội sẽ tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề quốc tế. Đồng thời, đề xuất Hội đồng Thủ công thế giới đánh giá, xem xét công nhận 2 làng nghề trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Hà Đông bảo tồn và phát triển kinh tế gắn với du lịch làng nghề
Kinhtedothi – Thời gian qua, quận Hà Đông đã có những giải pháp chỉ đạo tập trung về bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa góp phần phát triển kinh tế- xã hội, du lịch trên địa bàn.

Hà Nội công nhận 14 làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống
Kinhtedothi - Sáng 15/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống.