Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển năng lực sáng tạo của học sinh Thủ đô

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa là những giải pháp có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo của học sinh Thủ đô.

Cải thiện kỹ năng giao tiếp và hợp tác

Tại Hội thảo khoa học quốc gia Diễn đàn văn hóa và giáo dục mùa Thu lần thứ nhất, nhóm tác giả gồm TS Đỗ Hồng Cường, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, TS Bùi Thị Hồng Minh, TS Đinh Thị Kim Thương (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) đã tập trung nghiên cứu chủ đề “Phát triển năng lực sáng tạo của học sinh hướng tới phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo của học sinh cấp THCS của TP Hà Nội”.

Học sinh Trường THCS Thanh Xuân, quận Thanh Xuân được thỏa sức sáng tạo.
Học sinh Trường THCS Thanh Xuân, quận Thanh Xuân được thỏa sức sáng tạo.

Theo các tác giả, năng lực sáng tạo của học sinh là khả năng tạo ra những ý tưởng mới, độc đáo, có giá trị, giúp các em giải quyết những vấn đề và thách thức trong học tập và cuộc sống. Năng lực này không chỉ phát triển tư duy logic và trí tưởng tượng mà còn cải thiện kỹ năng giao tiếp và hợp tác. Học sinh có năng lực sáng tạo thường học hỏi tốt hơn, tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.

Hệ sinh thái học tập sáng tạo mang đến môi trường giáo dục thông minh cho người học; tạo ra nguồn nhân lực trong tương lai có tính linh hoạt, thích ứng, hiện đại và phát triển liên tục, cân bằng động với sự phát triển của thế giới công nghệ hiện đại. Cấu trúc và mô hình phát triển hệ sinh thái học tập/giáo dục bao gồm các thành phần: chủ thể học tập (con người); tri thức học tập (nội dung); công nghệ học tập (công nghệ); bối cảnh học tập và văn hóa, chiến lược, khả năng kết nối tri thức giữa các thành phần bên trong hệ sinh thái và các kết nối ra bên ngoài với hệ sinh thái lớn hơn.

Việc học tập của học sinh THCS không chỉ đóng khung trong các tiết học lý thuyết ở trên lớp, mà còn được diễn ra theo nhiều hình thức sinh động khác: thảo luận, thực hành, thí nghiệm, tham quan... Học sinh THCS thường hứng thú với những hình thức học tập đa dạng, phong phú, như những giờ thực hành, thí nghiệm, sinh hoạt theo chủ đề, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động ngoại khoá, tham quan, dã ngoại,....

Hiện các trường học tại Hà Nội đã lồng ghép trong chương trình nội dung giáo dục năng lực sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, phát động nhiều phong trào, tổ chức câu lạc bộ,  cuộc thi, sân chơi về sáng tạo; thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.

Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, các tác giả khẳng định: môi trường học tập đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng sáng tạo của học sinh. Không gian học tập phải được thiết kế mở, có tính thẩm mỹ cao để học sinh phát triển trí tưởng tượng, từ đó phát huy năng lực sáng tạo. Lớp học được thiết kế linh hoạt với nhiều khu vực như: thảo luận nhóm, trải nghiệm thực tế, không gian sáng tạo… giúp học sinh cảm thấy hứng thú, tạo cảm hứng sáng tạo. Môi trường học tập cũng phải khuyến khích học sinh thử nghiệm, rèn luyện sự kiên trì, chấp nhận rủi ro, thất bại, dám nghĩ dám làm.

Các mô hình giáo dục sáng tạo cho học sinh

Tại báo cáo “Một số mô hình giáo dục sáng tạo ở các trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”, nhóm tác giả Phạm Việt Quỳnh, Lê Thị Hiền, Phùng Thị Thu Thuỷ (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) nêu quan điểm: các trường tiểu học ở Hà Nội ngày càng áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy sáng tạo, từ giáo dục STEM đến học tập trải nghiệm và dạy học theo dự án. Những phương pháp này không chỉ làm tăng hứng thú học tập mà còn chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Học sinh Trường Tiểu học & THCS Newton 5 hào hứng tham gia hoạt động ngoài không gian lớp học.
Học sinh Trường Tiểu học & THCS Newton 5 hào hứng tham gia hoạt động ngoài không gian lớp học.

Một số mô hình học tập sáng tạo đã và đang được triển khai tại các trường tiểu học Hà Nội như: giáo dục STEM, học tập trải nghiệm, dạy học theo dự án (Project-Based Learning - PBL), lớp học đảo ngược (flipped classroom)…

Để phát triển mô hình giáo dục sáng tạo, các chuyên gia cho rằng cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất; khuyến khích sự tham gia của phụ huynh…

Nghiên cứu việc phát triển tư duy sáng tạo của trẻ mầm non, các tác giả: Vũ Thuý Hoàn, Hà Thị Cẩm Nhung, Lê Thị Hoà (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) đã thực hiện đề tài “Khơi dậy tư duy sáng tạo của trẻ qua trải nghiệm - Tiếp cận mới cho cấp mầm non TP Hà Nội”.

Theo đó, quy trình học tập tư duy sáng tạo của trẻ gồm 4 bước với các thao tác cụ thể, đó là: trải nghiệm một tình huống cụ thể; quan sát và phản ánh; hình thành khái niệm mới và vận dụng, thực hành kiến thức mới trong tình huống mới, tạo kinh nghiệm cho chu trình học tập tiếp theo.

Việc giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm giúp xác định được cơ sở khoa học, vai trò, lợi ích, mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp giáo dục trẻ em theo hướng trải nghiệm.

Có thể nói, những hoạt động giáo dục sáng tạo kể trên mới được triển khai bước đầu, tuy nhiên đã khẳng định tính ưu việt, giúp tăng hứng thú của học sinh trong mỗi bài học; phát huy tinh thần tự học, tự tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Theo các chuyên gia, muốn giáo dục sáng tạo mang tính bền vững, hệ thống, đồng bộ, Hà Nội cần có chương trình giáo dục sáng tạo xuyên suốt trong các nhà trường. Không những thế, mục tiêu giáo dục sáng tạo cần được tích hợp vào các mục tiêu khác để trở thành mục tiêu chung của quá trình giáo dục.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, học liệu cho các môn học phát triển tư duy sáng tạo; tạo dựng nhiều sân chơi, hoạt động nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh; đồng thời cần chú trọng đào tạo bồi dưỡng giáo viên; từ đó, năng lực sáng tạo của học sinh mới thực sự được nâng cao và phát triển.