Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 ước khoảng 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây. Nhưng đây lại là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước.
Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025). Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
"Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một mặt vừa đóng góp trực tiếp vào tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế... một mặt vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP cho đất nước, gián tiếp đưa tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu" - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho hay.
Với góc độ DN, nguyên Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải nhận định, thị trường xây dựng và bất động sản trong năm 2023 sẽ tập trung phát triển ở lĩnh vực thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, những dự án nhà ở đô thị đang thi công dở dang sẽ được tái khởi động. Ngoài ra, công trình công nghiệp và những dự án đầu tư công sẽ đem lại nguồn việc lớn cho các DN xây dựng.
Về hoạt động xây dựng trong mảng bất động sản du lịch, ông Lê Viết Hải cho rằng, sang năm 2023 sẽ tạm dừng vì nguồn cung dư thừa khi hai năm đại dịch không thể khai thác. Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ thêm, hiện ngành xây dựng có tỷ trọng lớn đóng góp cho nền kinh tế, với tổng sản lượng 1.938 nghìn tỷ đồng (tương đương 82 tỷ USD).
"Nếu ngành xây dựng phát triển sẽ đem đến nhiều lợi ích cho nhiều ngành khác trong hệ sinh thái phát triển. Ngược lại nếu xây dựng có vấn đề ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, không có công ăn việc làm cho lực lượng trong ngành sẽ tác động xấu đến xã hội, vì lực lượng lao động trong ngành này rất lớn" - ông Lê Viết Hải cho hay.
Sớm gỡ vướng mắc từ nhà thầu
KTS Ngô Tâm - Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Covic chia sẻ, áp lực cạnh tranh tại Việt Nam quá lớn, những DN, nhà thầu trong ngành xây dựng hoặc vật liệu xây dựng tìm công việc từ các dự án đầu tư công hiện nay đang chấp nhận chịu lỗ mà vẫn phải làm.
"Các dự án đầu tư công đòi hỏi quy mô vốn lớn, trường kỳ vì không tính bằng tháng mà theo năm. Nhưng hệ thống định mức áp dụng không phù hợp với thực tế khiến nhà thầu phải chi trả bù đắp; nhiều hạng mục thi công mới chưa cập nhật định mức. Những công ty xây dựng đã nhận thầu gần như làm hòa vốn, xong thì chậm thanh toán nhưng không thì tiền đâu "nuôi" nhân sự, các chi phí hoạt động cố định..." - KTS Ngô Tâm nói.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các cơ chế, thủ tục đầu tư đã được cải thiện khá nhiều. Về công tác GPMB và cơ chế thanh toán đã có tiến bộ hơn nên tiết kiệm rất nhiều thời gian cho nhà thầu. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn trong việc triển khai, đến từ việc chuẩn bị hồ sơ dự án, khảo sát, thiết kế dự toán... còn sơ sài chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng, còn sai lệch nên trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có thay đổi và từ đó phát sinh vấn đề. Thủ tục thanh toán trở nên phức tạp, mất thời gian, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư đều rất ngại xử lý.
Đề cập đến các giải pháp, cần nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức hiện nay. Lãnh đạo VACC cho rằng cần có kế hoạch rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý I/2023 cho kịp triển khai dự án hiện nay. Bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng cho những gói hạ tầng.
Cùng với đó, cần có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết việc phát sinh, điều chỉnh gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán của gói thầu. Cùng với đó, nghiên cứu ban hành cơ chế tổng thầu, cơ chế liên danh, cơ chế xét thầu phù hợp cho các gói thầu xây dựng hạ tầng lớn sắp đến như sân bay Long Thành..., để tập hợp được sức mạnh của các nhà thầu Việt Nam.
Dự báo, năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh đó, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần phát triển nhanh và bền vững.