Tuy nhiên, để loại hình nhà ở này phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thật sự đối với người thu nhập thấp, đồng thời đáp ứng yêu cầu về đô thị phát triển bền vững, các giải pháp từ quy hoạch, thiết kế kiến trúc cần phải được tính toán khoa học, hợp lý.
Tăng tốc
Sau thời gian dài triển khai không đạt về chỉ tiêu phát triển NƠXH thì nay với những người thu nhập thấp sinh sống tại Hà Nội đã có thêm nhiều hy vọng khi TP đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng loại hình nhà ở này trên địa bàn bằng nhiều chương trình, kế hoạch.
Cụ thể, TP đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp…
Cụ thể, Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu mét vuông sàn NƠXH; chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu NƠXH độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu. Đặc biệt, trong Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ dành hơn 220 tỷ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho sinh viên.
Các chương trình, kế hoạch này chắc chắn sẽ sớm thành hiện thực khi có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền TP với quyết tâm chính trị cao.
Mới đây, tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với công nhân, lao động Thủ đô năm 2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, TP đang đẩy nhanh tiến độ để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số dự án NƠXH theo Đề án 1 triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ. Chủ tịch UBND TP khẳng định, Hà Nội đang thực hiện rất quyết liệt và sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng/tháng có thể tiếp cận được NƠXH.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn TP có 40 dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Trong đó, 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 với khoảng 869.000m2 sàn, 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1,6 triệu mét vuông sàn, 22.400 căn hộ.
Trong năm 2023 các dự án NƠXH mở bán gồm có: NHS Trung Văn, Rice City Tố Hữu, Rice City Thượng Thanh, Sunrise Home Thanh Trì, Đại Kim Center, UDIC Eco Tower…, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành NƠXH.
Nhanh nhưng phải bền vững
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, chính quyền TP cũng như chung tay từ các chủ đầu tư, chắc chắn thời gian tới sẽ đem lại chuyển biến tích cực về nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quy hoạch - kiến trúc, không vì mục tiêu trước mắt nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu NƠXH mà chúng ta phát triển một cách ồ ạt, không định hướng và thiếu bền vững.
Tránh tình trạng như thời gian qua đã có những khu NƠXH xây xong gần chục năm, nhiều lần chào bán nhưng vẫn ế, không có người đến ở nhưng lại có dự án hàng nghìn người tranh nhau suất mua hơn trăm căn hộ được mở bán.
Chuyên gia phản biện độc lập về kiến trúc và quy hoạch, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, từ năm 2009, khi bắt đầu thực hiện chính sách về NƠXH đến nay, trên địa bàn Hà Nội trừ một vài dự án như khu nhà ở cho người có thu nhập thấp Đặng Xá I, Gia Lâm là tạo thành một quần thể hoàn chỉnh, còn lại hầu như các tòa nhà đều mang tính xen cấy trong dự án nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, khu vực để phát triển các dự án NƠXH cũng ít được coi trọng, do đó thường là những dự án nằm xa trung tâm, ít được hưởng những tiện ích dịch vụ xã hội, kết nối giao thông, nhất là giao thông công cộng. “Đây là những bất cập trong phát triển NƠXH thời gian qua mà TP cần nhìn nhận, rút ra kinh nghiệm để có được thành công trong giai đoạn tới” - KTS Phạm Thanh Tùng lưu ý.
Về giải pháp quy hoạch, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, đã đến lúc cần phải xem xét lại quy định bắt buộc trích lập 20% quỹ đất làm dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội.
Khi hai loại hình nhà ở này nằm chung một dự án sẽ tạo ra “độ vênh” và đối tượng chịu sự thiệt thòi chính là những người ở nhà xã hội. Ngoài ra, cần phải quy hoạch những khu NƠXH có diện tích lớn từ vài chục ha, tạo thành những dự án lớn, xây dựng đồng bộ, hiện đại, hạ tầng xã hội đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người thu nhập thấp.
Đặc biệt, quy hoạch phải bảo đảm các khu NƠXH không quá xa trung tâm, gắn kết thuận lợi với hạ tầng giao thông, nhất là giao thông công cộng. “Việc phát triển NƠXH theo định hướng bền vững phải bắt đầu từ giải pháp quy hoạch.
Trong đó, việc quy hoạch và bố trí quỹ đất dành để phát triển NƠXH nên là kết quả của một nghiên cứu xã hội học bài bản từ đó có những định lượng và định tính chính xác cho các chương trình, kế hoạch phát triển nhà NƠXH của TP, đồng thời cũng để tạo hình ảnh một đô thị văn minh, ổn định xã hội” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Bên cạnh đó, để khắc phục các bất cập về chất lượng NƠXH, theo các chuyên gia, thiết kế kiến trúc đối với NƠXH cũng cần được tính toán khoa học và hợp lý.
Mục đích đưa đến giá cả căn hộ mà đông đảo người dân có thể chấp nhận được mà chất lượng công trình, chất lượng sống vẫn bảo đảm. Theo KTS Trần Vũ Lâm - Chủ tịch công ty CP Kiến trúc Lập Phương, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng NƠXH cần rất chú ý đến sự đánh đổi giữa giảm giá thành và phát triển bền vững. Mọi chi phí tiết kiệm được cần được cân đối sang chất lượng thiết kế kiến trúc công trình với các không gian tiêu chuẩn, với vật liệu hoàn thiện tốt, cảnh quan tiện ích…
“NƠXH là một vấn đề lớn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ngành kiến trúc - xây dựng thì để nâng cao được chất lượng công trình NƠXH thì đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và tâm huyết của chính sách Nhà nước; nhà đầu tư; nhà tư vấn để bảo đảm sự phát triển bền vững và đóng góp vào diện mạo của các khu đô thị trong tương lai” - KTS Trần Vũ Lâm nêu.
Chúng ta phải coi việc phát triển NƠXH là nhiệm vụ chính trị, đây là vấn đề cấp bách trong việc phát triển lấy con người làm trung tâm. Cơ chế chính sách đối với vấn đề này cần phải sớm đồng bộ từ khâu lập quy hoạch, tiêu chí kỹ thuật xây dựng căn hộ đến bước xét duyệt hồ sơ... Và tuyệt đối không bao giờ được biến các dự án NƠXH thành các ốc đảo trong đô thị, phải bỏ tư tưởng “ban phát” khi làm NƠXH. Có như vậy mới thể hiện được hết ý nghĩa chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người dân nghèo, người thu nhập thấp đang sinh sống tại các đô thị.
Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam - KTS Phạm Thanh Tùng