Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Khơi thông từ chính sách

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có nhiều lợi thế, song việc nhân rộng, phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) trên địa bàn Hà Nội vẫn gặp không ít khó khăn. Do đó, việc khơi thông cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này cần được TP ưu tiên trong bối cảnh hiện nay.

Mô hình trồng dưa lưới giống Nhật Bản ứng dụng công nghệ cao tại quận Hà Đông. Ảnh: Ánh Ngọc  
Mô hình trồng dưa lưới giống Nhật Bản ứng dụng công nghệ cao tại quận Hà Đông. Ảnh: Ánh Ngọc  

Phát triển chưa xứng tiềm năng

Nông trại đa canh ứng dụng CNC với diện tích gần 129.000m2 của gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) đang mang lại doanh thu hàng năm lên tới 18 tỷ đồng.

“Hoa lan được trồng trong nhà màng, nhà lưới. Nhiệt độ vườn ươm được điều chỉnh phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây hoa. Hệ thống tưới tự động được lắp đặt giúp tiết giảm tối đa lượng nhân công cần thiết. Hiện, mỗi năm vườn ươm cung cấp cho thị trường khoảng 120.000 cây lan các loại. Phần diện tích còn lại, tôi trồng thêm các loại rau củ quả, vườn ươm hoa hồng và phát triển mô hình hoa sen giống mới, cao sản” - ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Mô hình trồng rau CNC của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) là một trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của toàn quốc. Giám đốc HTX Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý Đặng Thị Cuối chia sẻ, trung bình mỗi ngày, HTX thu hoạch từ 2 - 4 tấn rau xanh với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Giá trị thu nhập bình quân của HTX đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; thu nhập của mỗi thành viên tham gia HTX đạt trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn TP đã hình thành 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng CNC được áp dụng là nhà lưới, tưới tiết kiệm, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng… Trong chăn nuôi là sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (đã được ứng dụng với 100% đàn bò sữa và 80% đàn bò thịt). Còn với lĩnh vực thủy sản, ứng dụng công nghệ "sông trong ao", làm giàu oxy bằng quạt nước… Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô, 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là con số rất khiêm tốn. Hà Nội mới có một DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC; chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng CNC theo tiêu chí của TP; việc nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất còn hạn chế.

Sớm sửa đổi, bổ sung chính sách

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, nguyên nhân cốt lõi nhất phải kể đến những hạn chế trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, để được TP hỗ trợ, mô hình sản xuất ứng dụng CNC phải bảo đảm 2 yếu tố, đó là đáp ứng theo tiêu chí của TP và nằm trong vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Trong khi đó đa số các DN, HTX đều không bảo đảm được 2 yếu tố trên.

Đề cập đến những khó khăn trong việc triển khai, áp dụng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp CNC vào thực tế, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Đến nay, TP vẫn chưa triển khai được các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã ban hành tại Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 của UBND TP cũng khó thực hiện, đặc biệt là tiêu chí về diện tích đất quá lớn, không phù hợp với địa phương.

“Thực tế, các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC của Hà Nội về cơ bản có quy mô nhỏ. Mặt khác, đến nay, TP cũng chưa có cơ chế về quy trình, thủ tục hướng dẫn các định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục CNC ứng dụng trong nông nghiệp” – ông Nguyễn Văn Chí cho hay.

Để tháo gỡ những bất cập, khơi thông chính sách, thúc đẩy xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Du lịch TP Lê Tự Lực đề xuất, trước mắt, TP cần triển khai quy hoạch các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời xác định các vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế để bảo đảm quỹ đất ổn định, thu hút DN đầu tư.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng tập trung rà soát những vướng mắc, bất cập trong thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ nông nghiệp ứng dụngCNC; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ứng dụng CNC… để đề nghị T.Ư và HĐND TP sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Hà Nội nên tập trung phát triển các công nghệ chọn tạo, nhân giống cây trồng, ứng dụng trong điều khiển canh tác; công nghệ chế biến nông sản, phát triển vật liệu mới áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Điều này là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản của Thủ đô.

Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn