Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam:

Phát triển phòng tham vấn tâm lý học đường để bảo vệ trẻ em, học sinh

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước thực tế gần đây xảy ra các vụ học sinh tự tử nghi bạo lực học đường, bị đánh hội đồng, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam cho rằng, cần phải phát triển phòng tham vấn tâm lý học đường để bảo vệ trẻ em và học sinh.

3 giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường 

Bạo lực học đường để lại những tổn thương lâu dài về tinh thần của trẻ em, có thể khiến trẻ trầm cảm, lo lắng và có trường hợp đã tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Những ngày này, dư luận xã hội xôn xao và xót xa khi nữ sinh N.T.H.Y - học sinh lớp 10A5 trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường. Nữ sinh G.T.C là học sinh lớp 8 trường THCS Xuân Nộn (huyện Đông Anh, Hà Nội) bị đánh hội đồng gây thương tích phải nhập viện.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng cần phải có 3 giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường và ngăn chặn từ sớm. Ảnh: MSD.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng cần phải có 3 giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường và ngăn chặn từ sớm. Ảnh: MSD.

Từ trước đến nay, Chính phủ luôn quan tâm đến phòng chống bạo lực học đường, bằng việc ra các văn bản quy định. Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; và về phía Bộ GD&ĐT cũng đã có thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tham vấn tâm lý học đường.

Tham vấn tâm lý học đường là một phần rất quan trọng để đảm bảo trường học thân thiện, phòng ngừa bạo lực học đường, góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường chưa thực hiện vì không bố trí được người chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý học đường; do thiếu người được đào tạo bài bản, có năng lực tư vấn và chuyên môn.

Cần phải coi trọng công tác phòng ngừa bạo lực học đường và ngăn chặn từ sớm. Từ quan điểm này, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam cho rằng: Một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng là phát triển công tác tham vấn tâm lý học đường, để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, giải quyết những vấn đề mâu thuẫn trong trường học một cách rốt ráo và phòng ngừa, phát hiện từ sớm.

Thứ hai, một mình trường học, một mình giáo viên không thể giải quyết được bạo lực học đường mà cần sự phối hợp của gia đình và nhà trường; hàng ngày cha mẹ quan tâm, hỏi han, trò chuyện với con và phát hiện vấn đề con mình đang gặp phải.

Bên cạnh đó là các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường phát huy vai trò chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh. “Các tổ chức trong nhà trường, đặc biệt là tổ chức Đoàn, Đội sinh hoạt theo hướng thiết thực; cung cấp cho học sinh những kỹ năng để giải quyết được các mâu thuẫn, cách chăm sóc bản thân, phát hiện những sang chấn tâm lý của mình” – ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Đồng thời ông Hoa Nam cho biết, trong giới trẻ Việt Nam, nhiều bạn có kiến thức kỹ năng. Khi các bạn có dấu hiệu căng thẳng, lo âu thì có nhu cầu tìm đến chuyên gia tâm lý, phương thức để tự giải tỏa. Nhà trường, giáo viên cũng cần phải phổ biến cho học sinh những tri thức đó, đây cũng là một phần kỹ năng sống. Nhưng tiếc rằng, chỉ một số em học sinh lớn có kỹ năng như thế; những học sinh càng nhỏ thì đòi hỏi nhà trường phát triển công tác tham vấn tâm lý học đường để hỗ trợ các em.

Kết hợp 3 dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em

Hiện nay tình trạng bạo lực học đường liên quan đến tâm lý xã hội và sức khỏe tâm thần của học sinh, trẻ em. Vì thế, theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, bây giờ chúng ta phải phát triển đồng bộ công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Nhân viên tư vấn của Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trả lời các cuộc gọi đến. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN.
Nhân viên tư vấn của Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trả lời các cuộc gọi đến. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN.

Theo đó, trong trường học cần có hoạt động tham vấn tâm lý học đường.

Còn ở bên ngoài, các bệnh viện có bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần để trong trường hợp nhà trường chuyển học sinh ra ngoài thì có chuyên gia trị liệu cho các em.

Cùng với đó, các trung tâm công tác xã hội của ngành LĐTB&XH có những chuyên gia tâm lý xã hội để tư vấn, giải đáp, hỗ trợ cho phụ huynh, học sinh.

“Khi chúng ta kết hợp cả ba dịch vụ đó thì học sinh, trẻ em mới có thể được chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách chu đáo”, ông Hoa Nam nhấn mạnh.

Ông Hoa Nam cũng nhấn mạnh, bên cạnh các dịch vụ chuyên nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, cha mẹ cũng phải có kiến thức làm cha mẹ để phát hiện sớm những bất thường của con. Cha mẹ và các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý, chuyên gia tham vấn tâm lý học đường cùng phối hợp để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho con em mình. Và, rất cần sự phối hợp thường xuyên giữa gia đình và nhà trường nắm bắt kịp thời tình hình của con trẻ.

Về phía các tổ chức xã hội khác thì giáo dục những kỹ năng sống, trong đó có phương pháp giải tỏa những căng thẳng, kìm nén cơn bực tức, nóng giận để không xảy ra bạo lực.

Khi có vấn đề cần tư vấn, phụ huynh, học sinh hãy gọi đến số Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em để được tư vấn và hỗ trợ. 
Khi có vấn đề cần tư vấn, phụ huynh, học sinh hãy gọi đến số Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em để được tư vấn và hỗ trợ. 

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cũng cho biết, hiện nay Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 với 3 số 111 không chỉ có chức năng tiếp nhận thông báo, tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em mà còn có dịch vụ tư vấn. Nếu các em học sinh căng thẳng sức khỏe tâm thần hay khó xử trong giao tiếp bạn bè thì hoàn toàn có thể gọi đến số 111 để được tư vấn, tháo gỡ khó khăn.

Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 còn có chức năng kết nối. Khi các trẻ em gặp vấn đề gọi điện đến Tổng đài sẽ được cán bộ kết nối với cha mẹ và nhà trường phối hợp với nhau để giúp các em giải tỏa được vấn đề đang gặp phải./.