Phát triển phương tiện công cộng, giải bài toán khó cho giao thông Thủ đô

Phạm Công - Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực trạng hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội vẫn còn không ít bất cập, gây ảnh hướng đến kinh tế - xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng, giao thông công cộng chính là chìa khóa gỡ rối cho tình trạng ùn tắc của giao thông Thủ đô.

 Đầu mối giao thông quan trọng

Sáng 8/9, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội phối hợp với Sở GTVT TP Hà Nội tổ chức hội thảo Giao thông đô thị TP Hà Nội: Thực trạng và giải pháp.

Hội thảo nhằm mục đích trao đổi, thảo luận kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức, thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn TP Hà Nội; đồng thời trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm trong công tác giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực đô thị của Ban Đô thị HĐND TP, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND các quận, huyện, thị xã để làm rõ khó khăn, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và những giải pháp khắc phục và nâng cao chất lượng công tác quản lý, công tác giám sát lĩnh vực này trong thời gian tới.

Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội phối hợp với Sở GTVT TP Hà Nội tổ chức hội thảo Giao thông đô thị TP Hà Nội: Thực trạng và giải pháp.
Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội phối hợp với Sở GTVT TP Hà Nội tổ chức hội thảo Giao thông đô thị TP Hà Nội: Thực trạng và giải pháp.

Theo ông Phạm Quí Tiên – Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia, đồng bằng châu thổ sông Hồng và Vùng Thủ đô.

Ông Phạm Quí Tiên thông tin, Hà Nội có tốc độ tăng dân số cao, đã làm hệ thống hạ tầng của Thủ đô phải gánh tới khoảng 7,9 triệu phương tiện. Trong đó, có 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy. Ngoài ra, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác nhau.

Ông Phạm Quí Tiên – Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội  phát biểu tại hội thảo.
Ông Phạm Quí Tiên – Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội  phát biểu tại hội thảo.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh về phương tiện cá nhân, tuy nhiên tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị đạt khoảng 10,3%. Tỷ lệ tăng bình quân hằng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%.

Ông Phạm Quí Tiên cho biết thêm: “Trong thời gian vừa qua, nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Ví dụ: Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án hầm chui Lê Văn Lương, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2...”.

TP Hà Nội cũng đang tích cực phối hợp với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô để triển khai những dự án xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 3,5 nhằm cải tạo mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, tiếp tục xây dựng đường gom đô thị dọc theo các tuyến cao tốc, quốc lộ, hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt giao thông đô thị còn lại...

Tuy nhiên, ông Phạm Quí Tiên cho rằng, thực trạng hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, các tuyến đường chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, hiện tượng ùn tắc giao thông tại các khu vực nội đô xảy ra thường xuyên trong những giờ cao điểm;

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế…

Gỡ khó cho giao thông Hà Nội

Trước thực trạng giao thông Hà Nội còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết, nhiều đại diện các sở, ngành chuyên gia đã đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập tiến tới phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội.

Ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
Ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng, cần rà soát đánh giá quy hoạch chung của Thủ đô trong thời gian tới để tạo tiền đề cho các dự án chiến lược, căn cơ trong phát triển giao thông đô thị.

Theo ông Đỗ Việt Hải, Sở GTVT TP Hà Nội xác định muốn giải quyết bài toán phát triển giao thông đô thị cần căn cứ trên sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt quan tâm phát triển đường sắt đô thị, đặt mục tiêu phát triển đồng bộ về công nghệ.

“Cũng cần tăng cường sử dụng vận tải đường thuỷ nội địa, khai thác du lịch, vận chuyển hàng hoá, vật liệu xây dựng, giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ” - ông Đỗ Việt Hải nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Hà Nội mới, thành viên Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Hà Nội mới, thành viên Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Hà Nội mới, thành viên Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho rằng, cần cấp bách tháo gỡ chính sách để hoàn thiện nốt các tuyến đường Vành đai đang còn dang dở như Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 3.

“Cần đặc biệt quan tâm đến giao thông công cộng. Hiện nay, lượng hành khách đi xe buýt mới trở lại 70% so với trước khi xuất hiện dịch Covid-19. Gấp rút nghiên cứu nguyên nhân do đâu lượng hành khách giảm để có biện pháp khắc phục. Muốn phát triển giao thông công cộng cũng cần đặc biệt ưu tiên cho hạ tầng, có hạ tầng như xe buýt BRT thì sử dụng như nào cho hiệu quả cao nhất” - ông Nguyễn Minh Đức cho biết.

Ông Đỗ Xuân Trường - Phó Giám đốc trung tâm 3, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đóng góp ý kiến.
Ông Đỗ Xuân Trường - Phó Giám đốc trung tâm 3, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đóng góp ý kiến.

Ông Đỗ Xuân Trường - Phó Giám đốc trung tâm 3, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng đô thị trung tâm Hà Nội có dạng lưới, đường cấp đô thị gồm các tuyến đường hướng tâm và vành đai.

“Hệ thống đường sắt đô thị phải là xương sống của giao thông công cộng Hà Nội với yêu cầu đáp ứng trên 50% nhu cầu đi lại của người dân. Đây cũng là cơ sở để tổ chức giao thông. Cũng cần tổ chức đô thị theo hướng đa cực, đa trung tâm để tránh dồn dòng giao thông lưu lượng lớn về một phía và phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo hướng hành lang có lưu lượng giao thông lớn” - ông Đỗ Xuân Trường cho biết.

Ông Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch hội Cầu đường Hà Nội nêu quan điểm.
Ông Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch hội Cầu đường Hà Nội nêu quan điểm.

Theo ông Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch hội Cầu đường Hà Nội, cần có giải pháp đặc biệt cho giao thông Hà Nội. Hiện tại, đa số các giải pháp chỉ mang tính ứng phó, chưa lâu dài.

“Cần hướng tới quy hoạch giao thông theo ô bàn cờ. Mỗi quận, huyện nên có một cốt để các nhà xây dựng căn cư vào đó để làm ngưỡng thiết kế cho tất cả công trình, giải quyết vấn đề thoát nước cho đường phố. Hướng tới việc các đầu mối, trung tâm hành chính phải nằm ở vành đai, hiện nay đa số nằm trong đô thị. Xác định đô thị ở đâu để có sự ưu tiên, tập trung cho giao thông công cộng” - ông Trần Danh Lợi nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, giao thông Hà Nội đang tiếp cận xu thế hiện đại của thế giới. Hà Nội cũng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển giao thông hiện đại. Qua đó, để phát triển giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội cần phân bổ thực hiện quy hoạch rõ ràng, cụ thể từng năm và đưa ra chỉ tiêu cụ thể.

“Hà Nội cần nâng cao năng lực quản lý điều hành, chú trọng vai trò trách nhiệm cộng đồng vào phát triển giao thông. Quy hoạch Thủ đô cần lấy xương sống là giao thông. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm, xây dựng đường vành đai, hướng tâm, qua tâm hiện đại” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.