Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:

Phát triển sâm Ngọc Linh trở thành ngành công nghiệp tỷ USD

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng với tiềm năng, giá trị của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để phát triển thành một ngành công nghiệp và chế biến sâm quy mô hàng tỷ USD.

Xây dựng ngành công nghiệp sản xuất và chế biến sâm Ngọc Linh

Chiều 6/8, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội thảo.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Kon Tum ký kết phát triển sâm Ngọc Linh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Kon Tum ký kết phát triển sâm Ngọc Linh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, hiện nay, Quảng Nam có 20 doanh nghiệp, hàng trăm nhóm hộ và hàng nghìn người dân đã thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh. Trong thời gian qua, thu nhập và đời sống người dân vùng trồng sâm được nâng lên đáng kể, có nhiều gia đình tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng, điều kiện sinh hoạt, đi lại, nhà cửa khang trang,... đời sống văn hóa cũng được nâng cao, từ khi phát triển trồng sâm Ngọc Linh.

“Tuy nhiên, để sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, định hướng và tập trung đầu tư nhiều hơn nữa” - ông Hồ Quang Bửu nói.

Theo ông Hồ Quang Bửu, hiện địa phương đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị xây dựng và phê duyệt chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Ông Bửu nhận định sâm Ngọc Linh mang lại 3 giá trị là sinh kế cho người dân, bảo vệ rừng và sức khỏe.

“Việc xây dựng chương trình phát triển sâm Ngọc Linh rất cần thiết để tỉnh có cơ chế và dành nguồn lực phát triển cây sâm trở thành nhóm ngành kinh tế mang lại giá trị cao của đất nước, đưa sâm Việt ra thế giới, xứng tầm là sản phẩm quốc gia, quốc bảo của Việt Nam” - ông Hồ Quang Bửu nói.

Trong khi đó, ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho hay, tỉnh Quảng Nam đang có định hướng phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó chú trọng công tác chế biến sâm, xây dựng sâm Ngọc Linh thành một ngành công nghiệp hiện đại để tạo nhiều sản phẩm có giá trị lớn.

Tương tự, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum Huỳnh Văn Liêm cho biết, tỉnh này cũng đang đầu tư phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025 định hướng đến 2030 với mục tiêu diện tích đạt khoảng 4.500ha (45 triệu cây) và khoảng 10.000ha vào năm 2030 (100 triệu cây).

“Sắp tới, Kon Tum sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phát triển cây sâm với mục tiêu khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế” - ông Huỳnh Văn Liêm cho hay.

Một cây sâm Ngọc Linh quý hiếm.
Một cây sâm Ngọc Linh quý hiếm.

Phát triển thành ngành công nghiệp tỷ đô la

Ông Vũ Thành Nam - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện nay, việc phát triển sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Trong đó, thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu, thiếu nguồn giống, cơ sở sơ chế biến sâu, công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế là những hạn chế làm cản trở sự phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Theo ông Vũ Thành Nam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT xây dựng chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045 với mục tiêu xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng, tăng thu nhập cho người dân.

Mục tiêu đến năm 2030 bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 100.000ha tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu.

“Tại mỗi địa phương sẽ hình thành nên một vùng nguyên liệu tập trung, đưa diện tích trồng sâm đạt con số 22.000ha vào năm 2030 và sản lượng khai thác 300 tấn/năm, có chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GMP - WHO hoặc tương đương” - ông Vũ Thành Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum trong việc giữ gìn, phát triển sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh ngoài giá trị sức khỏe còn có giá trị kinh tế to lớn nhưng chưa được phát triển xứng tầm. Do đó, Chủ tịch nước yêu cầu cần suy nghĩ về vấn đề này.

Chủ tịch nước tin tưởng, với tiềm năng, sản phẩm và giá trị sâm Ngọc Linh hiện nay rất lớn, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp sâm và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam với mục tiêu tỷ USD.

Để thực hiện điều này cần đòi hỏi rất nhiều việc, chúng ta phải làm nghiêm túc, bài bản, không chỉ Kon Tum, Quảng Nam mà còn nhiều nỗ lực, tâm huyết trong triển khai chiến lược, có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ ngành.

“Không chỉ cơ chế, chính sách phát triển sâm Ngọc Linh cần tìm tòi những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển cây quốc kế dân sinh này, đem lại hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu, thực phẩm chức năng. Từ đó, cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc các nước có một sản lượng sâm rất lớn và họ đã chế biến sản xuất ra hàng trăm sản phẩm từ sâm” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, nhân giống, chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh, cạnh tranh được với sản phẩm sâm trên thế giới. Cần kêu gọi, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp có tâm, tầm nhìn và nguồn lực tài chính, hỗ trợ có chọn lọc, khuyến khích liên doanh liên kết để tạo sản phẩm tốt, phải có sản phẩm sâm Ngọc Linh xứng tầm thương hiệu quốc gia.