Gia nhập thị trường
Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1997). Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới đã xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm, hấp thụ phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, thế giới đang giao dịch tín chỉ carbon trên hai thị trường là bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Đây là những cơ chế quan trọng góp phần vào mục tiêu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris, đưa mức phát thải giảm xuống 28% vào năm 2030.
Báo cáo từ Viện Thị trường Carbon thế giới cho thấy, hiện có khoảng 73 cơ chế carbon, tính cả ở thị trường tự nguyện và bắt buộc, đang được vận hành ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Hiện, các cơ chế này đang phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu.
Vận hành của các cơ chế này đã huy động được khoảng 100 tỷ USD trong năm 2022. Các cơ chế trong thị trường carbon bắt buộc chiếm vai trò chủ đạo, với khoảng 98% tổng nguồn thu được tạo ra từ các cơ chế này (2% còn lại là từ các cơ chế của thị trường tự nguyện).
Việc phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
"Phải chuyển đổi"
Ông Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có độ mở cao, nếu áp dụng sớm thị trường carbon, điều này đồng nghĩa với việc bắt buộc các doanh nghiệp phải giảm phát thải, chi phí vận hành và chuyển đổi công nghệ sẽ tăng lên rất nhiều, tác động lớn đến nền kinh tế. Dù vậy, để đạt được những mục tiêu đề ra, Việt Nam vẫn phải làm, phải chuyển đổi nếu không muốn tụt hậu so với thế giới.
Chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam được tổ chức ngày 7/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện nay các quốc gia vẫn chưa thống nhất về cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật, xác định và phân bổ hạn ngạch carbon trên phạm vi toàn cầu, bảo đảm công bằng, rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, Đề án xác định lộ trình thực hiện thí điểm thị trường carbon tại Việt Nam trên tinh thần “vừa làm, vừa hoàn thiện” để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới.
Đề án xác định, trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; bổ sung các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường; mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon; nghiên cứu khả năng kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới... Đồng thời, dự thảo Đề án cũng đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hàng hóa trên thị trường carbon; chủ thể tham gia thị trường carbon; sàn giao dịch carbon; tổ chức vận hành thị trường carbon; nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực.