Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.

Thị trường lao động phát triển cả chiều rộng và chiều sâu

Hội nghị được tổ chức tại trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến với 63 điểm đầu cầu trên cả nước, có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội, trường học và các địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế…. Được hình thành và phát triển trong nền kinh tế thị trường, thị trường lao động có vị trí rất quan trọng; hoạt động hiệu quả của thị trường lao động góp phần bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Ảnh:  VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Ảnh:  VGP/Nhật Bắc.

Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đồng thời, xác định lao động việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững. Công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước và thị trường xuất khẩu lao động.

Các đại biểu tham dự Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Ảnh:  VGP/Nhật Bắc.
Các đại biểu tham dự Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Ảnh:  VGP/Nhật Bắc.

Trước tình hình đó, cùng với những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan tới thị trường lao động. Nhờ đó, sau khi chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", thị trường lao động đã từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế - xã hội nước ta. Quy mô lực lượng lao động, tỉ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng. Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm dần.

Tuy nhiên, phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Cung cầu lao động còn nhiều bất cập

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có Báo cáo về tình hình thị trường lao động. Sau hơn 35 năm đổi mới, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập. Nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986), đến nay là 51,4 triệu người (quý II năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014), nay là 67% (6 tháng đầu năm 2022).

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có Báo cáo về tình hình thị trường lao động.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có Báo cáo về tình hình thị trường lao động.

Cầu lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững. Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5 – 1,6 triệu lượt người, tỷ lệ thất nghiệp thường xuyên duy trì ở mức dưới 3%. Các năm 2020-2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%), thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi nhanh chóng trong 8 tháng đầu năm 2022.

Nhiều chính sách tạo việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động đã được triển khai nhất quán, liên tục, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19. 

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và số 116/NQ-CP, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Hiện nay các địa phương đang triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đào ngọc Dung cũng nêu ra một số hạn chế, đó là: Cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều.

Phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối. Hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động.