Chúc mừng năm mới

Phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng liên quan đến phát triển đô thị, trong đó “vùng đô thị” là cấp độ lãnh thổ nhận được nhiều sự chỉ đạo cụ thể, trực tiếp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định “bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Năm 2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục xác định “Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm TP Hà Nội và một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư lân cận do Chính phủ quyết định” (khoản 3, Điều 3, Luật Thủ đô 2024).

Theo TS Lê Minh Sơn - giảng viên Khoa Kiến trúc, đô thị và khoa học bền vững - Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Vùng Thủ đô Hà Nội tuy chỉ chiếm 7,4% diện tích của cả nước, song là nơi tập trung 21,1% dân số, 17% số lao động, đóng góp vào 25% kinh tế và có tốc độ tăng trưởng chung, cũng như từng khu vực kinh tế, cao hơn mức bình quân của cả nước.

Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng là mũi nhọn kinh tế toàn Vùng Thủ đô với quy mô lớn nhất, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm năm trở lại đây (so với hai khu vực còn lại) và đóng góp vào 28% khu vực công nghiệp và xây dựng của cả nước.

Theo chuyên gia, trong thực tế còn một số thách thức phát triển cho các vùng đô thị ở nước ta nói chung và Vùng Thủ đô nói riêng. Quan trọng nhất là cơ sở pháp lý cho quản lý, phát triển vùng đô thị ở nước ta còn thiếu tính thống nhất, đồng bộ.

Vì vậy, TS Lê Minh Sơn khuyến nghị cần hoàn thiện và thống nhất khuôn khổ pháp lý về Vùng Thủ đô. Điều này có ý nghĩa quan trọng nhằm thể chế hóa việc quản lý, phát triển Vùng Thủ đô, qua đó tăng sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Trên cơ sở đó, tạo cơ hội mở đường cho nhiều chính sách phát triển ở cấp độ Vùng Thủ đô.

Đồng thời, cần đổi mới công tác xây dựng, thu thập số liệu phục vụ nghiên cứu, quản lý phát triển Vùng Thủ đô (xây dựng, công khai hóa bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về đô thị quốc gia; đẩy mạnh việc chia sẻ dữ liệu, số liệu giữa các cơ quan; mở rộng thu thập số liệu ở các điều tra chuyên sâu).

TS Lê Minh Sơn nhìn nhận: “Hiện chưa có cơ chế quản trị Vùng Thủ đô thực sự hiệu quả. Đây không phải là vấn đề mới song vẫn tồn tại nhiều lúng túng từ các cơ quan quản lý Nhà nước, và hơn nữa, đây cũng không phải vấn đề của chỉ riêng Vùng Thủ đô Hà Nội. Nhìn chung, Vùng Thủ đô Hà Nội còn là sự cộng dồn ranh giới các tỉnh lân cận để tạo ra một vùng đô thị lớn hơn, chứ chưa có một bộ máy quản trị tích hợp, hiệu quả bao quát quản lý phạm vi vùng đô thị được đặt ra”.

Do vậy, cần có cơ chế cho phép thí điểm mô hình quản trị Vùng Thủ đô Hà Nội trước khi ban hành; cần xây dựng hướng dẫn thống nhất về nguyên tắc quản trị vùng nói chung, và hướng tới xây dựng nguyên tắc quản trị vùng TP nói riêng.

“Công tác quản trị Vùng Thủ đô cần phải tính đến tương lai dài hạn khi bản sắc phát triển không chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương, mà trong phạm vi cấp vùng đô thị, nhất là khi các vùng đô thị đã đạt đến quy mô nhất định hoặc có vai trò trụ cột cho nền kinh tế quốc gia” - TS Lê Minh Sơn chia sẻ.