Phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên: Tận dụng công nghệ, mạng xã hội

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), một trong những phương thức tuyên truyền, PBGDPL đến các đối tượng thanh thiếu niên được sử dụng phổ biến, đó là tận dụng công nghệ, mạng xã hội.

T.Ư Đoàn cho biết, thời gian qua, nhiều mô hình PBGDPL đa dạng, ý nghĩa được tổ chức, thu hút sự chú ý của đông đảo thanh thiếu niên và Nhân dân. Các tổ chức Đoàn, Hội cũng tích cực, chủ động lập các fanpage để thông tin, tuyên truyền và kết nối hoạt động của tổ chức tới đoàn viên, thanh thiếu nhi, tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, góp phần thực hiện công tác giáo dục, trong đó có công tác giáo dục pháp luật. Các cấp bộ Đoàn đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác PBGDPL, đặc biệt là việc đăng tải các bài viết, cuộc thi trực tuyến trên mạng xã hội...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà Đỗ Thị Thơm (Hội LHPN Việt Nam) cho biết, đa số đoàn viên, thanh niên đều sử dụng mạng xã hội, do vậy tổ chức Đoàn cần phát huy lợi thế này để phổ biến, tuyên truyền pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội. Tới đây, khi T.Ư Đoàn triển khai đề án “Tiếp cận năng lực pháp luật” sẽ có sự phối hợp với T.Ư Hội LHPN Việt Nam.

Theo nhà báo Nguyễn Huy Lộc (Báo Tiền Phong), công tác PBGDPL cho thanh niên mới chỉ chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh niên tiên tiến mà chưa tiếp cận được đối tượng thanh niên đặc thù, thanh niên tự do, vốn có nguy cơ mắc các vấn đề pháp luật cao. Một số nội dung tuyên truyền, giáo dục vẫn còn khô cứng về hình thức, chưa có cách tiếp cận riêng phù hợp từng đối tượng, tâm sinh lý, trình độ.

“Do đó, cần đẩy mạnh thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp các ngành, chính quyền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến giới trẻ, đưa pháp luật đi vào đời sống. Đồng thời, cần đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục gắn với công nghệ thông tin…” - nhà báo Nguyễn Huy Lộc đề xuất.

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL T.Ư với T.Ư Đoàn mới đây, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tường Lâm đề nghị, Hội đồng Phối hợp PBGDPL T.Ư và Bộ Tư pháp cần có đề án, chương trình tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên và phối hợp chặt chẽ với T.Ư Đoàn để triển khai thực hiện. Cùng đó, tiếp tục cung cấp tài liệu, thông tin về các quy định mới của pháp luật; các tài liệu về kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL cho T.Ư Đoàn để truyền tải đến thanh thiếu niên; nghiên cứu biên tập và xuất bản sách về hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ làm công tác thanh niên, cán bộ Đoàn cơ sở. Ngoài ra, Hội đồng chỉ đạo các cấp ngành liên quan, phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Đoàn chủ chốt về kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL, đặc biệt là phát triển kênh fanpage “Tuổi trẻ với pháp luật”…

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, phong phú, sáng tạo và có tính lan tỏa cao, tập trung tuyên truyền vào trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh thiếu niên ở cơ sở; kết hợp hài hoà, chặt chẽ các phương thức giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương về triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về pháp luật; xây dựng và vận hành có chiều sâu chuyên trang về pháp luật…

 

Ban tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” TP Hà Nội đã ban hành thể lệ cuộc thi. Theo đó, cuộc thi được tổ chức dưới hình thức xây dựng video clip (có âm thanh và hình ảnh) được thể hiện dưới dạng tiểu phẩm, phóng sự, bản tin... với thời lượng không quá 5 phút. Nội dung thi xoay quanh Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và kiến thức pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thời gian bình chọn các video clip dự thi chung kết bắt đầu từ ngày 1/9/2022 đến ngày 1/10/2022…

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần