Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phố cổ Hà Nội xưa và nay

KTS Phạm Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua bao biến thiên thăng trầm cùng lịch sử, những con phố chạy dọc ngang với những ngôi nhà lô xô mái ngói thâm nâu, tường vôi mốc thếch loang lổ rêu phong đã in dấu, hằn sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội.

1. Với người Việt thì khu phố cổ Hà Nội là “hồn cốt” của TP ngàn năm tuổi. Chả thế mà những ai đó, kể cả du khách nước ngoài, có dịp đến Hà Nội, đều ít nhất một lần ghé thăm khu phố cổ, để đắm mình vào nhịp sống hối hả, tấp nập bán mua suốt ngày đêm ở nơi đây.

Phố Hàng Ngang xưa. Ảnh tư liệu
Phố Hàng Ngang xưa. Ảnh tư liệu

Trải qua bao biến thiên thăng trầm cùng lịch sử, những con phố chạy dọc ngang với những ngôi nhà lô xô mái ngói thâm nâu, tường vôi mốc thếch loang lổ rêu phong đã in dấu, hằn sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội. Có nơi nào như ở đây, những đường phố nhỏ có cái tên bắt đầu từ chữ Hàng, gợi cho ta nhớ về những phường nghề xa xưa của ông cha thời dựng thủ đô. Đó là những Hàng Khay, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Bồ, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh…, rồi Thuốc Bắc, Lò Rèn, Lãn Ông, Cầu Gỗ, Đồng Xuân, Cửa Đông…

Thuở ấy, vào cuối thế kỷ thứ X, dân làng nghề tứ xứ kéo nhau đổ về ngoại thành Thăng Long sinh cơ lập nghiệp, quây quần bán mua bên bờ sông Nhị. Dần dần tạo thành phường, thành hội. Câu ca “Buôn có bạn bán có phường” cũng là vì thế. Cho đến những năm 1875, khi người Pháp tiến hành công cuộc đô thị hóa lần thứ nhất ở Hà Nội, thì khu 36 phố phường được xây dựng lại với việc xây dựng hệ thống đường phố rộng rãi theo hình ô bàn cờ, trải nhựa, có vỉa hè, hai bên xây nhà phố một, hai tầng lợp ngói. Nhà có đặc trưng là mặt tiền hẹp, chỉ rộng hơn 3m nhưng chạy sâu vào bên trong như một cái ống dài vài chục mét, thậm chí đến cả trăm mét, nhiều nhà còn thông từ phố này sang phố kia. Nhà tuy dài nhưng được khéo léo ngăn chia thành nhiều lớp bởi các khoảng sân trong, là nơi nghỉ ngơi thư giãn, trồng cây cảnh, đón ánh sáng, gió và khí trời, tạo nên nét độc đáo của kiến trúc nhà ống.

Nhà phố thường dùng tầng một để mở cửa hàng, nơi buôn bán trao đổi. Bên trong và tầng hai dùng để ở, làm kho chứa hàng hóa. Do nơi đây buôn bán thuận lợi, giao thương dễ dàng vì cạnh sông Hồng nên rất nhiều người Hoa và cả người Ấn cũng tìm đến để làm ăn sinh sống. Phố Hàng Buồm đông người Hoa nhất. Ở đây có cả Hội quán Triều Châu, Phúc Kiến. Người trong phố cổ sống với nhau hòa thuận, coi trọng nếp nhà, tình người, lễ nghĩa, tuy làm ăn buôn bán nhưng rất đàng hoàng và luôn giữ chữ tín. Chính những đức tính đó đã tạo nên văn hóa thanh lịch của người
Hà Nội xưa.

Cuối những năm 70 thế kỷ XX trở về trước, khu phố cổ Hà Nội hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Những ngôi nhà lô xô mái ngói thâm nâu, nhô ra thụt vào với mái hiên thấp lè tè là đề tài lãng mạn để họa sĩ tài danh Bùi Xuân Phái sáng tạo nên những tuyệt tác mang tên “Phố Phái”. Khi đó, một trong 6 tuyến tàu điện chạy suốt từ chợ Mơ lên Bờ Hồ rồi qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân, Quán Thánh, Thụy Khuê cho đến tận Bưởi. Người từ ngoại ô vào, hay ở các phố trung tâm lên khu phố cổ hầu hết đều đi tàu điện. Chỉ với 5 xu, là đi thoải mái. Thời ấy, người Hà Nội còn thưa vắng, không đông đúc, nhộn nhạo như bây giờ. Thật thú vị biết bao khi được ngồi trên chiếc ghế băng bằng gỗ trong toa tàu điện nghe tiếng chuông “leng keng… leng keng” mỗi khi tàu đến chỗ tránh, đông người… để mà ngắm nhìn phố phường.

2. Khi cả nước đổi mới, bước vào nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Hà Nội vươn mình lột xác với tốc độ đô thị hóa nhanh. Khu phố cổ cũng dần thay đổi! Đã thấy xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà 4 - 5 tầng. Các khách sạn mini mặt tiền chưa đầy 4m mà cũng ngất ngưởng cao đến 6 - 7 tầng, kiến trúc không giống ai, mọc lên trong các con phố và cả trong ngõ hẹp của khu phố cổ. Hàng hóa giờ rất phong phú, nhiều chủng loại, nhưng phần lớn là hàng Trung Quốc.

Các phố mang tên Hàng ngày trước giờ cũng không bán thuần một loại hàng hóa như tên phố nữa. Như phố Hàng Bạc, bên cạnh vài cửa hàng mua bán vàng bạc, đá quý là những cửa hàng bán đồ lưu niệm, hàng ăn, đại lý bán vé máy bay và khách sạn mini. Hay phố Lò Rèn thì nay cũng chỉ còn hai nhà kiên trì giữ nghề rèn truyền thống của dòng họ. Phố Thuốc Bắc, Hàng Thiếc… cũng vậy. Ngày đêm phố cổ vẫn tấp nập, kẻ bán người mua và du khách. Nhưng bán mua giờ đã khác, hàng thật hàng giả lẫn lộn, giành giật nhau vì một chút lợi nhỏ. Kinh tế thị trường ào ào như cơn lốc đã cuốn đi ít nhiều nếp kinh doanh, lối sống thanh lịch của đất Thăng Long thuở nào.

Khu phố cổ giờ dày đặc người đến trú ngụ sinh sống. Theo thống kê mới nhất, nơi đây hiện có hơn 66.000 người sinh sống với mật độ 823 người/ha, rất cao so với yêu cầu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (đến năm 2020 mật đô khu phố cổ là 500 người/ha), cho dù từ năm 2013 TP đã triển khai kế hoạch đến 2020 sẽ di dời được hơn 60% dân phố cổ đến định cư ở khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên.

Khu phố cổ Hà Nội là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Phạm Hùng
Khu phố cổ Hà Nội là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, đến nay, đề án giãn dân phố cổ đã không thể về đích đúng thời hạn?! Đây chính là nguyên nhân gây nên sự quá tải và xuống cấp trầm trọng về môi trường sống của khu phố cổ. Vậy mà, dù phải sống trong điều kiện như thế, nhưng đa phần người dân ở đây chẳng mấy ai muốn rời đi. Bởi vì, ngoài lối sống, nếp sống đã thành thói quen và trở thành nét văn hóa riêng của khu phố cổ, thì một điều rất quan trọng là không đâu trong TP này lại dễ kiếm tiền như ở đây. Chỉ cần một mét vuông kê vừa chiếc tủ bán hàng, sửa chữa kính, bút, đồng hồ… là đã có thể nuôi sống cả một gia đình 4 - 5 người. Chả thế mà đất ở khu phố cổ là đất vàng, đất kim cương!

Là “hồn cốt” của Thăng Long - Hà Nội nên ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khu phố cổ đã được Nhà nước xếp vào hạng di sản cần được bảo vệ, bảo tồn. Nhiều năm qua, chính quyền TP đã rất cố gắng như cải tạo chỉnh trang phố Tạ Hiện, bảo tồn, tôn tạo nhà cổ 87 phố Mã Mây, đình Đồng Lạc ở 38 phố Hàng Đào, rồi cải tạo nhà cổ 51 phố Hàng Bạc, trùng tu ngôi nhà 69 Mã Mây, 19 Hàng Đồng, 135 Hàng Bạc, 105 Hàng Buồm… hay đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, triển khai dự án phát huy giá trị di sản đô thị của 131 vòm cầu đường dẫn Nam cầu Long Biên, thực hiện các dự án phố sách, không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian sáng tạo nghệ thuật công cộng Phùng Hưng gắn với phát triển du lịch, tạo dựng thương hiệu riêng cho khu phố cổ Hà Nội… Thế nhưng, chừng ấy là chưa đủ, vì nhiều lý do nên công việc bảo tồn, trùng tu khu phố cổ vẫn còn nhiều bộn bề. Hàng trăm ngôi nhà cổ có giá trị về kiến trúc theo thời gian vẫn đang bị xuống cấp, có nguy cơ sập đổ bất kỳ lúc nào.

3. Bảo tồn và giãn dân khu phố cổ Hà Nội là câu chuyện dài không chỉ thực hiện bằng chủ trương hay mệnh lệnh hành chính thông thường mà còn sự tham gia của xã hội, sự đồng thuận của cộng đồng dân cư. Phải chăng, để đưa “người phố cổ qua sông” thì việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng xã hội nơi ở mới phải đầy đủ, thuận tiện, bền vững cho người dân an cư và kiếm sống.

Đó là sự minh bạch, dân chủ và công khai để người dân biết được lợi ích mà họ sẽ thụ hưởng khi phải dời nơi ở cũ. Đó là việc quản lý, sử dụng, đấu giá các ngôi nhà cũ, nhà cổ mà người dân phải dời đi như thế nào để mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội, thay vì rơi vào tay một nhóm người kinh doanh bất động sản?! Đó là việc trùng tu, tôn tạo để những công trình kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu cho từng thời kỳ trở thành các điểm tham quan, du lịch hấp dẫn, tồn tại và phát triển cùng cuộc sống của người dân khu phố cổ. Và nếu được như thế, khu phố cổ Hà Nội sẽ được bảo tồn và mãi mãi giữ được “hồn cốt” ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội.