1. Do có vị trí đặc biệt nên sông Hồng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển của Hà Nội, tạo nên những nét đặc trưng riêng về cấu trúc đô thị, phân bố dân cư và cả về bản sắc văn hóa, trong đó có cư dân sống ngoài đê, mà ta thường hay gọi là dân đất bãi.
Bây giờ, các địa danh ngoài đê sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã trở nên quá quen thuộc với người Hà Nội, như Tứ Liên, An Dương, Phúc Tân, Phúc Xá, Hàm Tử Quan, Đầm Trấu, Long Biên, Bạch Đằng… Lần giở theo sử sách được biết, đoạn đê kéo dài từ Yên Phụ cho tới cuối đường Bạch Đằng, trước kia vốn là đất của 6 thôn Thủy Cơ, sau nhập thành thôn Cơ Xá, mà dân gốc vốn là dân làng An Xá. Làng này trước ở trong đê mạn phía Nam Hồ Tây, khi vua Lý Thái Tổ lấy đất xây Thăng Long thành, toàn bộ dân ở đây phải di dời ra ngoài bãi sông làm nhà để ở, trồng trọt kiếm sống. Từ trước năm 1915, đê bao còn thấp, chưa ngăn cách TP với dòng sông như bây giờ.
Theo Phạm Đình Hổ, một nho sĩ nổi tiếng ở thế kỷ XVIII, khi ấy, phố xá nhất là khu phố cổ tất thảy đều hướng ra bờ sông, giao thương nhộn nhịp và tấp nập, nhất là ở phường Giang Khẩu (khu vực bến Bạch Đằng), tiếp giáp bờ sông Nhị (sông Hồng) và các nhánh sông chảy vào sông Tô Lịch. Sau này, do cửa sông Tô dần bị bồi lấp, bến cảng Hà Nội chuyển lên phía Bắc, khu vực phố Nguyên Khiết hiện nay. Thời ấy, đứng từ phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải bây giờ có thể phóng tầm mắt nhìn thấy sông Hồng với những cánh buồm chao chát ngược xuôi dòng…
Nhưng rồi sau trận lụt lịch sử vào năm 1915, nước sông dâng lên đến 13m, đe dọa Hà Nội, chính quyền đương thời đã cho tu bổ và xây tường đê lên cao đến 14,6m, mở vài cửa khẩu để cho dân ở trong và ngoài đê đi lại, giao thương cho thuận tiện, đến khi có lũ thì huy động dân chúng lấy bao đất, bao cát bịt lại, gọi là hàn khẩu, để ngăn nước sông Hồng tràn vào, như cửa khẩu Hàm Tử Quan, An Dương, Bạch Đằng…
Thế là từ đó, dòng sông bị đẩy ra xa. Phía ngoài đê, ngoài bãi rộng dài mênh mông kia bị lãng quên, trở thành “miền đất hứa” cho dân nghèo tứ xứ hội tụ về, gọi là dân tứ chiếng. Nhà cửa thời ấy cũng đơn giản lắm. Chủ yếu là nhà vách đất, mái lợp gianh hay lá cọ. Một số gia đình ở thôn Cơ Xá xưa, dựng nhà trên cột gỗ kiểu nhà sàn dưới để trống, sinh sống khá thuận tiện mỗi khi có lũ lụt. Dân ngoài đê kiếm sống bằng đủ nghề.
2. Năm 1955, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ đô được giải phóng, khu nhà ở tập thể hai tầng đầu tiên bằng gỗ được xây dựng ở khu vực Hàm Tử Quan, khởi đầu của sự hình thành đô thị ngoài đê. Tiếp đó, là bến Bạch Đằng với nhiều con đường, con phố được mở, được đặt tên. Sự xuất hiện các khu nhà ở như K95 của quân đội, tập thể điện lực ở bãi Phúc Xá… Rồi doanh trại quân đội, trụ sở, nơi làm việc một số cơ quan như Viện Khảo sát của Bộ Thủy lợi, Công ty Vật tư của Bộ Điện Than, trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội ở An Dương, Phúc Xá… sân thể thao Long Biên, nơi bắt đầu sự nghiệp quần đùi, áo số của nhiều cầu thủ bóng đá lẫy lừng một thời như Thế Anh (Ba đẻn) của Thể Công… tất cả đã tạo thành những khu dân cư, phố xá ngoài đê. Cũng có tên phố, tên phường và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, nước máy.
Hơn ba chục năm trở về trước, mỗi khi vào mùa lũ, nước sông Hồng lại từ đầu nguồn cuồn cuộn đổ về, cả khu vực ngoài đê mênh mang nước. Người dân ở ngoài đê, nhất là khu vực Phúc Xá, An Dương, Bạch Đằng… phải bồng bế con cái, mang theo của nả sơ tán vào trong phố. Người nào có họ hàng, người quen tốt bụng cho tá túc đỡ cực hơn, còn thì căng nilon, dựng lều bạt tạm bợ trên mặt đê, dọc vỉa hè đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải… mà trú tạm qua mấy ngày nước sông Hồng lên. Nước rút, lại bồng bế nhau về nạo vét phù sa trong nhà, ngoài ngõ để ở. Năm hai ba lần chạy lũ là thường.
Sau này, khi thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, rồi ở phía thượng nguồn phương Bắc, người ta xây những đập thủy điện cực lớn, lại thêm mươi năm lại đây khí hậu trái đất biến đổi thất thường, nên nước sông Hồng tuyệt không thấy lên cao nữa, thậm chí có năm đến mùa lũ mà dòng sông vẫn cạn. Trong những năm đổi mới, kinh tế phát triển, cùng với sự mở rộng của TP, phố ngoài đê cũng đông đúc, sầm uất hơn. Nhiều khu nhà ở mới như khu Đầm Trấu được xây dựng, nhiều tuyến phố chính ở phường Bạch Đằng, Phúc Xá, An Dương… được chỉnh trang làm cho bộ mặt kiến trúc phố thị ngoài đê khang trang hơn.
Thế nhưng, bên cạnh đó còn tồn tại rất nhiều khu nhà tạm bợ, lụp xụp… của hàng nghìn hộ dân nghèo nơi gầm cầu Long Biên, mép sông, bãi giữa. Do dân ở đây tự lấn chiếm, từ các nơi khác tìm về cư trú trái phép nên hầu như hạ tầng kỹ thuật như hệ thống tiêu thải nước bẩn và cấp nước sạch rất thiếu thốn. Địa bàn rộng, lại do sự quản lý lỏng lẻo kéo dài nhiều năm, nên khu vực này đang gây bức xúc cho chính quyền sở tại. Đặc biệt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải, phế thải và nước bẩn. Tất tật đều đổ ra sông Hồng, biến dọc bờ hữu ngạn sông Hồng thành bãi rác khổng lồ. Trong sự phát triển của TP, những điểm dân cư như vậy khác nào những u nhọt trên một cơ thể cường tráng. Đi từ phía Gia Lâm vào Hà Nội, qua cầu Chương Dương, Long Biên ta mới thấy buồn bởi sự hỗn tạp và nhếch nhác của bộ mặt kiến trúc khu vực ngoài đê này.
3. Sáu mươi nhăm năm đã đi qua, kể từ khi Thủ đô được giải phóng, Hà Nội đã đổi thay rất nhiều, đặc biệt trong giai đoạn 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Từ một đô thị chỉ có 380.000 dân với diện tích chưa đầy 130km2 vào năm đầu 1955, đến nay Hà Nội đã trở thành 1 trong 17 TP lớn nhất thế giới với diện tích 3.324,92km2. Cấu trúc không gian đô thị cũng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Hàng chục khu đô thị mới với hàng nghìn tòa nhà cao tầng hiện đại, kiến trúc đa phong cách được xây dựng.
Những cây cầu mới qua sông Hồng đã hình thành như cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân… bên cạnh cầu Chương Dương, Thăng Long hay cầu Long Biên xưa cũ. Và ngoài đê kia, sau nhiều dự án như “Trấn sông Hồng”, “Thành phố ven sông Hồng” do tư vấn nước ngoài lập vào những năm 90 của thế kỷ trước hay vào đầu thế kỷ XXI, với những ý tưởng táo bạo, lớn lao nhằm biến bờ sông Hồng trở thành cảnh quan đô thị đẹp như sông Seine (Paris - Pháp) hay sông Hàn (Seoul - Hàn Quốc)…, nhưng không thành công. Đầu năm nay, chính quyền TP Hà Nội đã có một kế hoạch phát triển mới với quyết tâm chính trị rất cao nhằm biến khu vực rộng tới 1.500ha với hàng nghìn hộ dân này trở thành một đô thị hiện đại theo hướng kiến trúc xanh, hài hòa, thân thiện với cảnh quan và mang bản sắc văn hóa sông Hồng, một phần không thể tách rời của cấu trúc không gian đô thị Hà Nội.
Những ngày Thu tháng Mười đầy nắng, xao xác lá vàng và hanh hao gió, đi tản bộ trên bờ đê sông Hồng đoạn qua Hà Nội, tôi cứ thầm mong cái kế hoạch phát triển đô thị khu vực ngoài đê kia của Hà Nội sớm thành hiện thực cho dù từ ý tưởng đến thực thi còn nhiều khó khăn, từ giải pháp kỹ thuật thích ứng với thủy văn sông Hồng cho đến cơ chế, chính sách và đặc biệt là huy động một nguồn lực đầu tư lớn (có khi lên tới cả tỷ USD). Và khi ấy, đô thị Hà Nội sẽ không còn ngoảnh mặt với sông nữa mà sẽ ôm dòng sông cổ kính, hồng sắc phù sa vào trong lòng TP ngàn năm tuổi này, để cùng phát triển, cùng bay lên trong thời kỳ phát triển mới của Thủ đô.