Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận năm học 2019 – 2020, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn cùng thách thức để đạt được kết quả rất rõ nét: Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Nhìn lại 6 năm đổi mới kỳ thi THPT cho thấy đã thực hiện đúng phương châm “học gì thi nấy”, yêu cầu học sinh phải học toàn diện. Công tác tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng sư phạm nền nếp, chất lượng hơn.
Một kết quả nổi bật trong năm học qua là đổi mới phương thức dạy và học. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo PISA cho kết quả: Việc học trực tuyến, phòng chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với quốc gia và vùng lãnh thổ, với 79,7% học sinh được học trực tuyến – cao hơn mức chung bình chung của cac nước OECD (67,5%).
Năm học 2019 – 2020 được ghi nhận với giáo dục đại học (ĐH) thực hiện tự chủ đạt kết quả tốt. Từ những thành công trong thí điểm thực hiện tự chủ ĐH ở 23 cơ sở giáo dục ĐH, đã được thể chế hóa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đối với những bất cập trong giáo dục nên nhìn nhận một cách bình tĩnh và biện chứng. |
Đối với những bất cập trong giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nên nhìn nhận một cách bình tĩnh và biện chứng. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị không thể tách rời phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung ưu tiên cho giáo dục.
“Hiện nay, cả nước đang thừa- thiếu cục bộ giáo viên trong khi nghịch lý còn hàng chục ngàn giáo viên dạy hợp đồng từ 10 -15 năm không có biên chế. “Tới đây chúng ta phải quyết liệt. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngoài chuyện trường lớp thì lo cho giáo viên là hết sức quan trọng. Tới đây, Bộ GD&ĐT cần có đánh giá lại và có khuyến nghị mạnh mẽ chuyện này” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Phó Thủ tướng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Giáo dục là một trong những ngành trực tiếp nhất để đào tạo con người. Vì thế, bây giờ chúng ta phải tập trung hơn về văn hóa trong giáo dục. “Từng trường mẫu giáo, phổ thông cho đến cơ sở giáo dục ĐH phải là biểu tượng của văn hóa” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cho rằng, tất cả những thứ chúng ta đổi mới thi cử chưa thể giao về cho các địa phương được. Bởi vì “thi chặt như thế mà còn ăn gian, xin điểm”.
Theo Phó Thủ tướng, giáo dục liên quan đến toàn dân. Mọi người tham gia giáo dục không chỉ trong nhà trường. Việt Nam rất khác nước ngoài: Ông, bà, bố, mẹ đều được gián tiếp giao nhiệm vụ là giáo viên ngoài nhà trường. Mọi người ít nhiều đều có kinh nghiệm và hiểu biết về giáo dục. Vì thế, để mọi người hiểu và đồng thuận tham gia, chúng ta hết sức cầu thị, có trao đi đổi lại, trên tinh thần tôn trọng và bằng tấm lòng thật để tiếp thu tất cả mọi ý kiến đóng góp. “Chừng nào người dân còn quan tâm đến giáo dục thì đất nước còn hồng phúc, ngành giáo dục còn may mắn” – Phó Thủ tướng nói.
Giáo dục phải đi trước một bước, phải hội nhập quốc tế. Cái gì thuộc về xu thế thì chúng ta không đi ngược lại, ví dụ học phải có tương tác, học sinh được thể hiện ý kiến của mình. Giáo dục ĐH cũng phải theo xếp hạng quốc tế để nhìn vào đó biết được cái gì mạnh, yếu...
Đối với giáo dục phổ thông phải có đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên, học sinh. Giáo dục phổ thông là bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. “Ở chúng ta, mỗi đầu cấp thi đầu vào kịch liệt, đề cao trường chuyên lớp chọn là đi ngược với xu thế của thế giới” – Phó Thủ tướng nêu.
Một vấn đề rất quan trọng đó là xu thế đổi mới của thế giới, chính là các thiết chế về giáo dục, trong đó có trường từ mầm non đến phổ thông, ĐH; không chỉ là thiết chế của chính quyền mà còn là của cộng đồng. Có 5 thành phần quản trị cơ sở giáo dục bao gồm: Chính quyền; Ban giám hiệu; tập thể giáo viên, người lao động trong trường; vai trò của nhân dân, cộng đồng dân cư mà trực trực tiếp là phụ huynh và học sinh.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhận định, đổi mới giáo dục rất khó, phải có quá trình cọ sát. “Chúng ta phải làm kiên định từ trong ra, từ trên xuống. Dứt khoát phải đổi mới giáo dục từ tư tưởng ở trong ngành Giáo dục, đến từng giáo viên, xã hội. Đổi mới từ trên xuống, ở địa phương là người đứng đầu, trong hệ thống giáo dục phải từ Bộ GD&ĐT” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.