Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều kết quả nổi bật: Đã cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; nhiều thủ tục hành chính đã được phân cấp giải quyết từ trung ương cho địa phương; việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện; việc triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế đạt kết quả đáng ghi nhận; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) được triển khai hiệu quả mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo việc tổ chức triển khai mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh, thời gian thí điểm từ tháng 9 năm 2024 đến hết tháng 11 năm 2025.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) Một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách thủ tục hành chính; (2) Vẫn còn quy định, thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp chưa được phát hiện và sửa đổi kịp thời; (3) Việc đánh giá tác động chính sách, chi phí tuân thủ tại một số cơ quan thực hiện chưa nghiêm; (4) Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; (5) Công tác truyền thông vẫn chưa được đẩy mạnh.
Một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện, ưu tiên nguồn lực triển khai có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội, các Chương trình, Chiến lược, Kế hoạch, Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Khẩn trương thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản, thực hiện tốt việc đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính, đẩy mạnh hiệu quả tham vấn (tăng cường tham vấn trên môi trường điện tử), thực hiện nghiêm việc thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Khẩn trương nghiên cứu xử lý và có văn bản trả lời phản ánh, kiến nghị của các thành viên Hội đồng tư vấn tại Phụ lục IV kèm theo Báo cáo số 5285/BC-VPCP ngày 25/7/2024, đồng thời gửi Cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/8/2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế nghiên cứu xử lý và có văn bản trả lời kiến nghị, đề xuất của các bộ, địa phương tại Phụ lục III kèm theo Báo cáo số 5285/BC-VPCP ngày 25/7/2024, đồng thời gửi Cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8/2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan triển khai thí điểm hiệu quả mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Các thành viên Hội đồng tư vấn chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để báo cáo Tổ công tác kịp thời tháo gỡ.