Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận các phiên giao dịch ảm đạm do giới đầu tư tỏ ra thất vọng với chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông giải tán 2 hội đồng cố vấn tập trung những CEO hàng đầu nước Mỹ. Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8%, chỉ số S&P 500 giảm 0,7% và chỉ số Nasdaq giảm 0,6%.
Trong phiên đầu tuần, chứng khoán Mỹ tăng điểm khi tình hình căng thẳng liên quan đến CHDCND Triều Tiên có dấu hiệu dịu đi, làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản an toàn.
Mặc dù, lễ kỷ niệm ngày Quốc Khánh của Triều Triên, được diễn ra vào thứ Ba, có thể làm gia tăng căng thẳng một lần nữa, nhưng thị trường đã tích cực hơn khi cuối tuần vừa rồi không có thêm bất kỳ một cuộc khẩu chiến nào khác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Triều Tiên nhằm kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân. Bên cạnh đó, ông kêu gọi dừng mọi lời lẽ khiêu khích làm gia tăng căng thẳng trong cuộc điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sang phiên ngày 15/8, các chỉ số Phố Wall diễn biến trái chiều trong bối cảnh số liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định điều chỉnh lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ và dịch vụ ăn uống trong tháng 7 đạt 478,9 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng 6, cao hơn mức tăng được dự báo là 0,4%.
Số liệu mới công bố cho thấy doanh thu bán lẻ của Mỹ tăng mạnh trong 7 tháng, nhờ người tiêu dùng tăng chi tiêu và thúc đẩy mua phương tiện đi lại, gợi ý nền kinh tế tiếp tục có thêm động lực tăng trưởng. Nhà kinh tế trưởng Chris Low của FTN Financial nhận định với số liệu doanh số bán lẻ tăng mạnh hơn dự kiến, khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12 tới là 38,1%.
Trong ngày 16/8, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến các chỉ số chính đều tăng điểm, và chỉ số Dow Jones quay trở lại ngưỡng 22.000 điểm đạt được trước đó. Nguyên nhân là vì thị trường bỏ qua báo cáo về nhà ở của Mỹ và cảm nhận tiêu cực về quyết định giải tán hội đồng kinh tế của Tổng thống Trump để tập trung vào biên bản họp của FED. Biên bản cuộc họp tháng 7 của FED cho thấy các nhà hoạch định chính sách tỏ ra thận trọng với tình hình lạm phát thấp, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trong phiên 17/8, sau các vụ tấn công khủng bố tại Tây Ban Nha. Các chỉ số chứng khoán đã mất điểm mạnh sau khi có tin một xe tải đã cố ý lao lên vỉa hè và đâm vào những người đi bộ ở Las Ramblas, thành phố Barcelona vào ngày 17/8, khiến ít nhất 13 người chết và 130 người bị thương. Vài giờ sau đó, một vụ đâm xe khác xảy ra tại thị trấn Cambrils làm 6 dân thường và 1 cảnh sát bị thương.
Trong phiên này, do các nhà đầu tư nghi ngờ về các chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump như giảm thuế, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, các chỉ số của Phố Wall đồng loạt giảm mạnh. Chính những cam kết về giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm các quy định trong lĩnh vực ngân hàng khi tranh cử đã giúp chứng khoán Mỹ có chuỗi tăng ấn tượng, liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Trong khi đó, việc giải tán 2 hội đồng cố vấn về kinh tế của ông Trump với nhiều cố vấn là các CEO của các tập đoàn lớn càng khiến giới đầu tư càng có lý do nghi ngờ về các chương trình nghị sự về kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp trong ngày giao dịch cuối tuần với các chỉ số giảm điểm, vì cổ phiếu ngành viễn thông, hàng hóa tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe giảm. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch chỉ số S&P 500 giảm 0,18% xuống 2.425,55 điểm. Dow Jones giảm 0,35% xuống 21.674,51 điểm; và chỉ số Nasdaq giảm 0,09% xuống 6.216,53 điểm.
Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Donald Trump sẽ sa thải chiến lược gia trưởng của mình, ông Steve Bannon.
Giới phân tích kinh tế nhận định rằng diễn biến mới nhất của tình hình chính trị ở Washington đang làm gia tăng những lo ngại về khả năng triển khai chương trình nghị sự về thúc đẩy kinh tế của Tổng thống Trump.