Cổ phiếu châu Á nhận lực đẩy từ FED
Thị trường cổ phiếu châu Á giao dịch khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 4/7 sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy nhiều lĩnh vực kinh tế của Mỹ tăng chậm lại, thúc đẩy triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,3%. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số chứng khoán của thị trường Australia đồng loạt nhích 0,6%.
Báo cáo bảng lương của ADP cho thấy số việc làm mới có ghi nhận mức tăng trong tháng 6, nhưng thấp hơn mức dự báo của các nhà phân, làm tăng mối lo ngại thị trường lao động giảm sút sau khi đạt mức tăng kỷ lục trong tháng trước đó.
Chuyên gia về thu nhập Noriko Miyoshi tại Simplex Asset Management ở Tokyo cho biết: “Các cổ phiếu và trái phiếu cùng tăng sau khi các thị trường đang đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất tại Ngân hàng Trung ương châu Âu và FED”.
Triển vọng kinh tế Mỹ xấu đi đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt xuống mức 1,939%, thấp nhất kể từ tháng 11/2016.
Trong khi đó, trái phiếu kho bạc của các nước châu Âu cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong ngày 3/7 do các nhà đầu tư đặt cược Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ quan điểm ôn hòa . Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vừa đề cử bà Christine Lagarde, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, để thay thế ông Mario Draghi làm Chủ tịch ECB, điều này càng củng cố những kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu đang tập trung chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 6 dự kiến được công bố trong ngày 5/7.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD đi ngang so với đồng yen Nhật, hiện ở mức 1 USD đổi được 107,72 yen. Đồng bảng Anh đứng ở mức 1 bảng “ăn” 1,2580 USD, chạm mức thấp nhất trong 2 tuần khi dữ liệu kinh tế củng cố kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế.
Kỳ vọng lãi suất đưa Phố Wall lập kỷ lục
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng đóng cửa ở mức kỷ lục trong ngày 3/7, khi nhà đầu tư kỳ vọng FED có khả năng hạ lãi suất vào cuối tháng này sau khi dữ liệu kinh tế yếu hơn dự báo được công bố.
Nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ mềm mỏng hơn trong chính sách tiền tệ, sau khi loạt dữ liệu vừa được công bố tiếp tục cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lợi suất trái phiếu khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục do đặt cược của thị trường rằng vị Chủ tịch tiếp theo của ECB sẽ duy trì lập trường nới lỏng.
Theo các thống kê công bố ngày 3/7, thâm hụt thương mại Mỹ lên mức cao nhất 5 tháng, trong khi hoạt động của ngành dịch vụ yếu đi. Trước đó, các số liệu gần đây của kinh tế Mỹ, từ thị trường địa ốc, ngành sản xuất, đầu tư kinh doanh cho tới tiêu dùng, đều phản ánh sự giảm tốc trong quý II
Nhà quản lý danh mục Thomas Martin thuộc Globalt Investments nhận xét: "Các dữ liệu kinh tế tốt xấu đan xen. Mọi việc không hẳn là tồi tệ, nhưng nhìn chung có sự đi xuống.
Theo chuyên gia Martin, chắc chắn là thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục lập đáy mới về lợi suất, gửi đi một thông điệp rằng nền kinh tế đang yếu đi và các ngân hàng trung ương sẽ phải cắt giảm lãi suất. “Tôi cho rằng thị trường cổ phiếu sẽ xem những diễn biến như vậy là tốt".
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, mức leo dốc nhiều nhất trong phiên này thuộc về hai nhóm phòng thủ là bất động sản và tiêu dùng thiết yếu.
Các nhà giao dịch hiện đang đặt cược khả năng gần 30% FED sẽ cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 30-31/7, tăng so với mức đặt cược 25% trong ngày 2/7 và 24% cách đây 1 tuần. Trong khi đó, khả năng FED hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm gần như đã chắc chắn.
Trong tháng trước, khả năng FED hạ lãi suất, dựa vào các số liệu kinh tế xấu đi và phát biểu mềm mỏng của giới chức ngân hàng trung ương toàn cầu, đã góp phần đẩy S&P 500 và Dow Jones chốt tháng 6 tăng điểm mạnh nhất trong nhiều thập niên.
Chi nhánh FED ở Atlanta hôm 3/7 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Mỹ trong quý II xuống còn 1,3%, thấp hơn mức 1,5% đưa ra trong lần dự báo trước.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall phiên này giảm xuống mức thấp do thị trường đóng cửa sớm để nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ 4/7. Chỉ có khoảng 4,15 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, so với mức bình quân 6,89 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Chứng khoán Mỹ sẽ nghỉ lễ trong phiên ngày 4/7. Sang phiên ngày 5/7, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo việc làm tháng 6 do Bộ Lao động công bố.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 0,67%, đạt 26.966 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,77%, đạt 2.995,8 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,75%, đạt 8.170,23 điểm./.