70 năm giải phóng Thủ đô

Phối hợp chặt chẽ kiểm soát thú y

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm chăn nuôi được đưa về tiêu thụ trên địa bàn TP, thời gian qua, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP về công tác thú y.

Hiện nay lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày được cung cấp từ các cơ sở giết mổ được kiểm soát trên địa bàn Hà Nội khoảng 392 tấn/ngày, nguồn thịt nhập từ các tỉnh, thành có kiểm soát khoảng 100 tấn/ngày. Như vậy, lượng thịt tiêu thụ được kiểm soát của toàn TP đạt khoảng 492 tấn/ngày, đáp ứng 55% nhu cầu tiêu thụ, tăng 8% so với năm 2016.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm và đảm bảo ATTP, từ năm 2013, Chi cục Thú y Hà Nội đã ký hợp tác trong công tác thú y với 24 tỉnh, thành phía Bắc, gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương… Nội dung phối hợp là trao đổi thông tin và kinh nghiệm về quy hoạch phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, kiểm soát chất lượng các sản phẩm của chăn nuôi được đưa vào thị trường các tỉnh, TP. Phối hợp truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Khuyến khích và kết nối, thu hút các DN tham gia sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các tỉnh, TP cung cấp thực phẩm cho Hà Nội và ngược lại.

Cán bộ Trạm Thú y Gia Lâm kiểm tra tại cơ sở giết mổ Lan Vinh.  Ảnh: Nguyễn Ngọc Sơn

Từ đầu năm đến nay, công tác phối hợp về quản lý thú y, kiểm soát ATTP sản phẩm động vật giữa Hà Nội và các tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lực lượng thú y Hà Nội và các tỉnh, thành đã kiểm soát được trên 14 triệu con gia súc, gia cầm, trên 30.000 tấn thịt, sản phẩm động vật các loại. Nhờ công tác trao đổi thông tin, thông báo dịch bệnh giữa các tỉnh với Hà Nội chặt chẽ hơn đã tạo sự chủ động triển khai các biện pháp phù hợp phòng dịch. Đặc biệt, ngăn chặn gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc về các chợ đầu mối có hiệu quả.

Ngoài ra, các địa phương còn tham quan mô hình trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tham mưu các cơ chế, chính sách về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý các cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo ATTP. Trong đó, một số mô hình tiêu biểu của Hà Nội được các địa phương học tập là mô hình giết mổ lợn tập trung bán công nghiệp ở Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), giết mổ gia cầm tập trung bán công nghiệp ở Yên Thường (Gia Lâm), giết mổ lợn công nghiệp Vinh Anh (Thường Tín)…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng bộc lộ những khó khăn tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp. Đó là còn nhiều tỉnh chưa xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo ATTP, chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Tỷ lệ sản phẩm động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội còn thấp. Việc triển khai xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật của các tỉnh, TP đều chậm. Bên cạnh đó, việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh dẫn đến tình trạng động vật, sản phẩm động vật từ các địa phương giáp ranh vào địa bàn các tỉnh, thành với danh nghĩa là lưu thông nội tỉnh nên rất khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Trong thời gian tới, Chi cục Thú y Hà Nội tiếp tục tăng cường phối hợp trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ để tạo sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP…