Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng chống bạo lực học đường: Hệ lụy từ sự thờ ơ của gia đình

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các vụ bạo lực học đường gần đây ở Hưng Yên, Nghệ An…, người đứng đầu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm là đối tượng chịu các hình thức kỷ luật và hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ dư luận xã hội.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, khi xảy ra bạo lực học đường, gia đình có phần trách nhiệm lớn.
Lỗi của người lớn
Việc học sinh bất đồng quan điểm dẫn đến xung đột, cãi vã thậm chí có hành vi bạo lực đã diễn ra từ lâu. Song có lẽ, chưa bao giờ, hành vi bạo lực gia đình lại diễn ra với mật độ ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng như hiện nay.
Chỉ cần gõ cụm từ “bạo lực học đường” trên công cụ tìm kiếm Google, trong vòng 0,17 giây đã có 470.000 clip về hành vi bạo lực học đường. Trong đó, hàng vạn clip phải “che mờ” vì hình ảnh quá bạo lực, phản cảm.
 Ảnh minh họa.
Cũng trên internet, qua những vụ việc bạo lực trong những ngày qua, trên các diễn đàn làm cha mẹ, phụ huynh học sinh lên tiếng quy chụp trách nhiệm cho giáo viên; các bậc làm cha mẹ cũng kêu gọi, đưa ra lời khuyên với nhau nên cho con chuyển lớp, chuyển trường…
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên thẳng thắn đặt vấn đề, bản thân bố mẹ phải cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình, đặc biệt là quản lý các kênh truyền thông tác động đến con cái. Vì ngày nay, trẻ em được tiếp cận với internet, mạng xã hội thông qua smartphone quá sớm.
Điều dễ nhận thấy nhất là việc, khi con không chịu ăn, khóc, quấy nhiều phụ huynh chọn giải pháp cho con xem các clip trên Youtube. Quá trình diễn ra lặp đi lặp lại, lâu thành bản năng, các em nhỏ chưa biết chữ cũng có thể tự tìm kiếm clip mình thích không cần sự hỗ trợ của cha mẹ; chưa kể đến các em học sinh với kỹ năng tin học vượt trội như hiện nay.
Câu hỏi đặt ra, cha mẹ đã làm hết trách nhiệm với con cái mình hay chưa? Nhiều bậc phụ huynh ngồi xem phim, dù phim ghi rõ chỉ dành cho độ tuổi từ 16 - 18 tuổi trở lên do chứa hành vi bạo lực hoặc nội dung không phù hợp nhưng vẫn vô tư để con xem cùng.
PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam - giảng viên trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Xét về mặt thời gian thì bố mẹ là người gắn trọn đời với con. Như vậy, cha mẹ là người dành thời gian cho con nhiều nhất chứ không phải ai khác.
Thực tế hiện nay, các cuộc bạo lực lại bắt nguồn từ trên mạng xã hội. Nhiều gia đình bố mẹ chỉ quản lý con từ chỗ ngồi ở lớp học đến về nhà nhưng lại không nắm được con đang bị bạo lực tinh thần qua mạng xã hội do các con va chạm với nhau ở trên mạng và giải quyết vấn đề với nhau ở bên ngoài. Điều này nhà trường khó có thể kiểm soát được. Trên tinh thần là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường nhưng thực chất vẫn cần nhìn nhận rõ ràng hơn vai trò của gia đình”.
Sợi dây liên kết đứt quãng
Bạo lực gia đình xảy ra, ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, theo cô Hoàng Bảo Ngọc - giáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội): "Có nhiều trường hợp học sinh bị áp lực vì kỳ vọng rất lớn của gia đình về thành tích học tập dẫn đến bị stress. Cũng có em gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống nhưng không chia sẻ được với ai, vì bố mẹ quá mải mê công việc, hoặc cách tiếp cận, tâm sự của các bậc phụ huynh chưa phù hợp”.
Rõ ràng, trong các vụ việc bạo lực học đường, sợi dây liên kết giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh đang có vấn đề. Ví dụ như việc họp phụ huynh là dịp để giáo viên - phụ huynh - học sinh có thể kết nối, chia sẻ quan điểm tìm sự đồng thuận trong công tác dạy và học, tìm đến một mục tiêu chung nhưng nhiều phụ huynh không coi trọng.
Theo cô Vũ Thị Tuyết Nga - giáo viên trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thực tế, hiện nay nhiều phụ huynh không quan tâm đến con cái mình một cách đầy đủ. Ví dụ bỏ qua các buổi họp phụ huynh của các con tại trường, nhưng lại rất quan tâm đến học lực, thành tích của con em mình”.
Hình ảnh của sợi dây liên kết giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh thể hiện rõ sự lỏng lẻo qua các vụ bạo lực học đường vừa qua. Biểu hiện là im lặng từ cả 3 bên (nhà trường, phụ huynh, học sinh). Thực tế trên phản ánh một điều, 3 bên đều không có kiến thức, bối rối, không biết làm gì khi bạo lực học đường xảy ra. Chính tâm lý đó dẫn đến sự e sợ, bị động của cả nhà trường, phụ huynh, học sinh.
Theo PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam: "Họ không phân biệt được xích mích thông thường và những hành động có thể dẫn đến nguy cơ trầm trọng. Vì vậy, chúng ta cần có giải pháp để làm rõ ra, nhà trường phải có quy trình hay những quy định, ví như nếu để xảy ra vụ việc như vậy thì sẽ không khoan nhượng với nạn nhân gây ra bạo lực thế nào; vai trò của người đứng đầu và giáo viên ra làm sao; trách nhiệm của cả gia đình tham gia vào quá trình đấy như thế nào? Trong vụ việc vừa rồi, tất cả các công tác sơ cứu tâm lý, huy động nguồn hỗ trợ để giải quyết nhanh chưa kịp thời dẫn đến việc truyền thông phản ứng, dư luận rất hoang mang”.
Giáo dục đạo đức bị coi nhẹ
Hiện nay, các trường học thường tập trung vào việc dạy các em học những môn trọng tâm để luyện thi như: Toán, Văn, Ngoại Ngữ nhưng một môn rất quan trọng là giáo dục công dân thì bị xem nhẹ, thậm chí chưa bao giờ được đưa ra thi. Bên cạnh đó, học sinh có quá ít thời gian học ngoại khóa, để các em có thể có môi trường rèn luyện các kỹ năng sống.
Theo Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp: “Hiện nay, chúng ta dạy rất nhiều, thi rất nhiều nhưng có một môn rất quan trọng là môn Giáo dục công dân, môn dạy đạo đức làm người lại chưa bao giờ thi. Chúng ta đã quá thiên về dạy tri thức nên cả người dạy và người học đạo đức luôn trong tình trạng lặng lẽ, âm thầm. Cả nhà trường và bố mẹ cần quan tâm hơn vấn đề này. Bởi hiện nay, trường THPT Yên Hòa cũng đã tổ chức rất nhiều CLB dạy kỹ năng sống nhưng các con lại phản hồi rằng bố mẹ không cho đi học, hay làm thế nào để được bố mẹ cho đi học? Thực tế cho thấy bố mẹ muốn học sinh đi học thêm các môn kiến thức hơn là tạo điều kiện cho con học kỹ năng sống. Chính vì thế, các con càng ngày càng chịu nhiều áp lực”.
Đánh giá về việc giáo dục đạo đức trong nhà trường, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH&TT Hà Nội Ngô Văn Nam chia sẻ: “Hiện nay các nhà trường chưa đề cao môn giáo dục công dân. Thông thường, giáo viên không sắc sảo thì sắp xếp dạy môn giáo dục công dân, chưa đưa giáo dục quyền con người vào môn học này”.
Tóm lại, sau các vụ bạo lực học đường vừa qua, để giáo dục, tác động vào tâm sinh lý các em, hướng tới hạn chế hành vi bạo lực cần có trách nhiệm của 3 bên là gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu chiếc kiềng 3 chân này thiếu đi 1 thì khó giải quyết được nguồn gốc vấn đề.

"Tôi rất buồn vì các phụ huynh giờ đây tạo quá nhiều áp lực cho các con. Ngay từ đầu năm, có những phụ huynh đã bày tỏ mong muốn và bắt con phải có thành tích học tập tốt, phải đạt học sinh giỏi; rồi con nhà mình phải hơn con nhà người khác. Đau lòng nhất là bố mẹ bắt con phải im lặng khi có vấn đề gì không như mong muốn." - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp


"Tôi cho rằng cần xem xét lại cách giáo dục của nhà trường và gia đình ngày nay, đặc biệt là vai trò gia đình. Hiện Nhà nước mới nhìn nhận ra bao nhiêu tỷ lệ đói, mấy phần trăm nghèo, nhưng tôi đánh giá hiện nay có tới 70% gia đình đang đói về giáo dục. Nhiều gia đình bố mẹ mải làm kinh tế, không lo cho con cái, tất cả trăm sự đều nhờ thầy cô, nhờ nhà trường, song đây là điều không nên." - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội -TS Nguyễn Tùng Lâm