Theo Cục ATTP, thời tiết nắng nóng, nhất là năm nay nắng nóng khắc nghiệt, là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển với cấp số nhân, sinh ra độc tố trong thực phẩm, dễ gây ngộ độc.
Các vụ ngộ độc lớn với số lượng bệnh nhân nhiều xảy ra liên tiếp thời gian gần đây, đa số kết quả xét nghiệm các mẫu (bánh mì, thịt heo xá xíu, cơm gà, gà nướng...) đều có sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella spp. Ngoài ra còn một số các loại vi khuẩn khác như E.coli, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus...
Đề cập đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố tăng cao hơn trong mùa nắng nóng, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Đáng chú ý, là khâu bảo quản không bảo đảm, thực phẩm bày bán ngoài trời, không che đậy khiến chúng dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố, người sử dụng dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, Cục ATTP khuyến cáo, đối với người sản xuất, chế biến thức ăn phải bảo đảm khâu vệ sinh trong quá trình chế biến. Trường hợp thức ăn chế biến ra không bán ngay, cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh.
Đối với người tiêu dùng, trong quá trình ăn uống, chú ý lựa chọn những cơ sở uy tín, đã được chứng nhận vệ sinh ATTP. Hạn chế lựa chọn những điểm bán hàng rong, điểm bán ngoài đường phố vì đây là những nơi có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời tiết mùa Hè nắng nóng. Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; đặc biệt là thực hiện "ăn chín, uống sôi".
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, (Viện Dinh dưỡng quốc gia), không chỉ thức ăn đường phố không bảo đảm dễ gây ngộ độc, ngay việc chế biến thực phẩm ở gia đình, người nội trợ cũng cần chú ý khâu vệ sinh. Để có thực phẩm an toàn, tốt nhất chuẩn bị lượng thực phẩm vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng cần bảo quản cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...).
Thức ăn để sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần. Chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, cần phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Để riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống, tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy kín.
Những dấu hiệu cho thấy, người bệnh bị ngộ độc thực phẩm cấp tính thường xảy ra ngay sau khi ăn phải thức ăn bị ô nhiễm, với các biểu hiện như đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn ói liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Ngộ độc cấp tính thường do ăn phải thức ăn có nhiễm vi sinh vật hay hóa chất với số lượng lớn.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người thân cần có biện pháp sơ cứu, làm cho người bị ngộ độc nôn thức ăn ra bằng cách tạo phản xạ nôn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lơ mơ không tỉnh táo hoặc có co giật thì không được gây nôn, đề phòng bệnh nhân sặc. Sau khi sơ cứu tại chỗ, bệnh nhân nên được chuyển đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.