Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa bệnh cơ xương khớp mùa lạnh

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào giai đoạn chuyển mùa, đặc biệt là từ thu sang đông và đông sang xuân, thời tiết thường giá lạnh, kèm theo khô táo hoặc ẩm ướt. Khi đó, những người mắc bệnh khớp thường cảm nhận rõ hơn tình trạng đau nhức, tê cứng, khó vận động tại khớp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

 Điều này khiến bệnh nhân khổ sở trong sinh hoạt, trong lao động từ đó làm giảm sút chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể bị những biến chứng không đáng có.

Triệu chứng

Đau nhức xương khớp: Tại các vị trí thường xuyên cử động nhiều như đầu gối, cổ tay, ngón tay, người bệnh sẽ thấy đau nhức và buốt từ trong xương, các khớp sưng và đỏ, tê cứng làm cản trở vận động. Khi trời lạnh, mọi triệu chứng đau nhức xương khớp tại nhiều vị trí trên cơ thể đều nặng hơn, đặc biệt tập trung ở khớp bị tổn thương trước đó hoặc đang mắc bệnh lý như: Xương cột sống, xương khớp gối, xương cổ, xương vai, xương thắt lưng, bàn tay… Tình trạng này thường nghiêm trọng vào ban đêm hoặc sáng sớm do lúc này thời tiết lạnh nhất; ngoài ra còn có tê và sưng khớp. Điều đáng nói là càng bị đau, nhức xương, khớp, người bệnh càng sợ cử động dẫn đến các khớp trở nên tê cứng, khó cử động, đặc biệt là khớp gối, khớp cổ tay, ngón tay...

Phát ra âm thanh ở các khớp: Khi trời trở lạnh, đau nhức xương khớp có thể phát ra âm thanh mỗi khi cử động. Đây có thể do các xương cọ xát vào nhau, lâu dần gây tổn thương và đau nhức nghiêm trọng hơn.

Cứng khớp: Cứng khớp là tình trạng các khớp bị cứng đơ, không thể hoặc rất khó để cử động. Cứng khớp thường chỉ kéo dài khoảng 10 - 30 phút, xuất hiện sau khi bệnh nhân ngủ dậy, nhất là ngủ dậy sáng sau một đêm nằm ngủ. Khi được xoa bóp và cử động khớp, tình trạng cứng khớp này sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu trời lạnh và bệnh không được cải thiện thì cứng khớp sẽ tái phát nhiều lần.

Nhạy cảm với cơn đau hơn: Người bị bệnh khớp mãn tính thường nhạy cảm với cơn đau xương khớp hơn do lớp sụn khớp đã bị bào mòn, khiến đầu xương bị trơ ra.

Cách phòng tránh

Giữ ấm cho cơ thể: Nên nghe tin dự báo thời tiết đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh để có phương pháp phòng vệ hiệu quả như: Tăng cường giữ ấm cơ thể, việc giữ ấm luôn là vấn đề cần được chú trọng nhất trong mùa Đông, cổ, ngực, tay, chân, trong đó đặc biệt lưu ý giữ ấm các khớp dễ bị thoái hóa như (khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay…). Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, cần làm ấm xung quanh vị trí đau bằng xoa dầu hoặc cao nóng, sử dụng túi chườm, lá ngải sao với muối… để các mạch máu giãn ra, khí huyết lưu thông được dễ dàng đến nuôi các khớp. Tuyệt đối không chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau) sẽ khiến tình trạng sưng viêm trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, nhiều gió, độ ẩm cao hay có mưa…

Làm ấm vùng khớp: Chườm nóng với túi chườm thảo dược; ngâm chân, tay với nước thuốc; ngâm tắm toàn thân thảo dược.

Nghỉ ngơi hợp lý: Lúc này, để giảm đau cần giảm hoạt động và áp lực cho khớp, chúng ta có thể dùng gậy chống, mang găng hay miếng dán ở các khớp xương, đeo đai lưng, massage, chườm ấm… Để phòng ngừa các bệnh xương khớp, bạn hãy từ bỏ thói quen ngồi làm việc quá lâu tại một vị trí mà hãy tranh thủ một vài phút giải lao đi lại, vận động nhẹ nhàng vừa giúp tinh thần thoải mái vừa ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ, vai, cột sống.

Chế độ ăn uống hợp lý: Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất và cân bằng để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân. Nên chú ý chế độ ăn uống như cần phải chú ý bổ sung đầy đủ protein, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, D và các nguyên tố vi lượng; đồng thời ăn nhiều thực phẩm hàm chứa nhiều canxi như sữa, chế phẩm từ đậu, các loại hạt, rau củ quả… Tránh xa một số loại thực phẩm có thể tác động tới bệnh xương khớp vì những thực phẩm này sẽ sinh ra các chất có thể làm tăng gánh nặng cho khớp, trong đó bao gồm: Các chất kích thích, thịt đỏ, đồ đông lạnh, phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ ăn có tính nóng, quá chua hay quá mặn. Uống đủ nước mỗi ngày, bởi lẽ, khi cơ thể thiếu nước có thể gây hiện tượng cô đặc máu, làm giảm lưu thông máu đến nuôi dưỡng các khớp.

Nên đi khám chuyên khoa: Tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để được xác định nguyên nhân (tổn thương thực thể, thoái hóa khớp hay chỉ là do viêm khớp phản ứng) để có chỉ định điều trị sớm. Không nên chủ quan, xem thường, không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình (nếu không am hiểu về chuyên môn y học) và không nên tự mua thuốc để điều trị. Đặc biệt, cần lưu ý là không tự động dùng thuốc corticoid (prednisolon, dexamethason,...) hoặc thuốc không steroid (meloxicam, mobic...).