Thường trực nỗi lo nhiễm bệnh
Kể từ ngày 18/7 lô A, chung cư 76 Ngô Tất Tố (phường 19, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) - nơi gia đình tôi đang sống chính thức bị phong tỏa theo quyết định của UBND phường. Tuy nhiên trước đó 2 ngày, khi phát hiện các ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, chung cư đã bị giăng dây, ngăn người ra vào. Kể từ thời điểm phong tỏa, chúng tôi hoàn toàn ở trong căn hộ, trừ vài lần bắt buộc phải xuống sân chung cư, ra hành lang tầng dưới để lấy mẫu xét nghiệm tầm soát và lấy hàng hóa thiết yếu hoặc rau củ quả từ thiện.
Cuộc sống bỗng dưng bị đảo lộn, cả gia đình tôi gồm 4 người suốt ngày "nhốt" mình trong một không gian chật hẹp của căn hộ vài chục mét vuông. Sự bất tiện khi bị phong tỏa vẫn chưa là gì so với những lo lắng thường trực nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Sống ở chung cư, cửa của căn hộ A và căn hộ B cách nhau chỉ vài mét, cả trăm cư dân sử dụng chung hành lang, cầu thang và cùng thở chung bầu không khí trong một không gian chật hẹp... làm sao có thể tránh "chạm mặt" virus? Bản thân tôi là một phóng viên, trong suốt mùa dịch Covid-19, được cơ quan phân công theo dõi sát sao các hoạt động chống dịch của TP, hàng tuần đều theo dõi các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh. Có thông tin làm tôi chú ý, đó là tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu phong tỏa lên đến 38%; Số ca nhiễm bệnh phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hơn 80% là từ các khu phong tỏa... điều đó càng làm gia tăng sự lo lắng bị nhiễm Covid-19.
Xe chở oxy dừng trước chung cư 76 Ngô Tất Tố, một hình ảnh làm cho bầu không khí nơi chúng tôi sống càng trở nên xám xịt |
Thực tế, ở block A chung cư 76 Ngô Tất Tố có 58 hộ dân, cứ vài ngày lại có thêm một hộ được thông báo có người đã bị nhiễm Covid-19. Lúc bắt đầu phong tỏa, chỉ có một hộ bị nhiễm SARS-CoV-2, đến nay đã có gần một chục hộ bị nhiễm. Các căn hộ xung quanh căn hộ ban đầu được phát hiện có người dương tính với SARS-CoV-2 đã lần lượt xuất hiện người bị nhiễm bệnh. Tôi và các thành viên trong gia đình phải đối mặt thường trực với nỗi lo là bị nhiễm bệnh, dù chúng tôi "phòng thủ" kiểu gì đi nữa thì cũng ở thế bị động, chỉ có thể ở yên một chỗ chịu trận, một cảm giác bất lực toàn diện!
Người bệnh nằm nhà chờ y tế
Trong những ngày bị phong tỏa, tôi đã có những trải nghiệm về những thời khắc khó khăn của những người xung quanh khi họ phải đối mặt với Covid-19. Gia đình anh V. có chị gái bị bệnh thận mãn tính, phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, bệnh viện từ chối tiếp nhận chạy thận, không còn con đường nào khác, người nhà bệnh nhân phải viết thư cầu cứu. Tôi xin trích một phần bức thư cầu cứu của gia đình anh V. “Gia đình tôi sống tại chung cư Ngô tất Tố, block A, nơi trục cầu thang tôi sống có tất cả 21 hộ, và cầu thang là lối đi lên xuống duy nhất của cả 21 hộ. Ngày 17/7 phát hiện 01 hộ có người dương tính với SARS-CoV-2 và chúng tôi đã yêu cầu được phun thuốc khử khuẩn nhưng địa phương làm ngơ. Ngày 22/7 phát hiện thêm 02 hộ có người dương tính ở trục cầu thang giữa nhưng địa phương vẫn không hề quan tâm. Ngày 3/8 thêm 01 hộ ở đối diện với nhà tôi có người dương tính...Trong thời gian này, chị tôi là bệnh nhân chạy thận lọc máu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, định kỳ vào thứ ba, năm, bảy, vẫn chạy thận đều đặn không có vấn đề gì xảy ra, vì trước khi vào chạy thận các bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được vào. Nghỉ ngày thứ tư, sáng thứ năm tôi chở chị ấy đi test nhanh như thường lệ thì cho kết quả dương tính, buộc phải test PCR và về nhà chờ kết quả. Buổi chiều nhân viên bệnh viện báo cho biết, chị tôi đã mắc Covid-18 và phải báo cho y tế địa phương để có hướng xử lý.... Sau khi thông báo cho y tế địa phương để mong nhận được hướng giải quyết. Thế nhưng địa phương không hề có một hướng dẫn nào cho tới thời điểm hiện tại, để bệnh nhân chịu khổ sở vì sốt, nóng trong suốt thời gian dài... Tôi là NTV, nam, 1959, CCCD ... sẽ không bước ra ngoài sảnh chung để xuống cầu thang làm xét nghiệm, sẽ gây nguy hiểm cho 20 hộ còn lại tại trục cầu thang này...”.
Tiếng kêu cứu của gia đình anh V như thiêu, như đốt tâm can của những người trong nhóm chat trên Zalo là cư dân chung cư 76 Ngô Tất Tố. Tôi đã chuyển thông tin này tới một người và nhờ chuyển cho thành viên Ban chỉ phòng chống dịch Covid-19 TP với hy vọng trường hợp đáng thương của gia đình anh V sẽ được xử lý. Tuy nhiên cũng phải chờ thêm 2 hôm, chị của anh V mới được nhập viện điều trị, thật đáng mừng và hy vọng chị ấy sẽ sớm hồi phục.
Ngày 8/8/2021 chúng tôi nhận được thông tin, hộ.... có một thành viên, sinh năm 1976 đã bị chết do Covid-19. Vợ tôi đón nhận thông tin đó với tâm trạng lo lắng tột độ. Cuối cùng thì một người mà tôi biết, gặp hàng ngày đã qua đời vì Covid-19, chưa bao giờ tôi có cảm nhận một cách rõ rệt hơn sự đáng sợ của Covid-19 như lúc này. Một bầu không khí căng thẳng và nặng nề bao trùm lên khu chung cư trong những ngày u ám. Người ta bắt đầu chia sẻ cho nhau các thông tin về mua máy tạo oxy, các toa thuốc điều trị tại nhà nếu chẳng may bị nhiễm...
Sẽ không trung thực khi nói rằng tôi lạc quan trước những gì đang diễn ra quanh tôi những ngày sống trong khu phong tỏa, chứng kiến rất nhiều chuyện đau thương. Mặc dù cố gắng giữ đầu óc mình suy nghĩ lạc quan và biết rằng bi quan cũng không giúp ích gì nhưng cũng có những lúc không thể nào kiểm soát được suy nghĩ bi quan, tuyệt vọng của chính mình.
Trong nhóm chat của cộng đồng dân cư chung cư, các thông báo đến từng giờ từng ngày toàn là những thông tin buồn như hộ... đã có những biểu hiện của việc nhiễm bệnh, họ tự thông báo cho chính quyền thông qua nhóm chat trên Zalo, họ mua thiết bị và tự test cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, sau đó họ tự cách ly trong căn hộ. Hộ... gồm mẹ và 2 bé sinh đôi 5 tuổi tự cách ly trong nhà nhiều ngày, đến khi không thể chịu đựng được nữa mới thông báo lên nhóm chat Zalo và yêu cầu giúp đỡ. Gần như lập tức, mọi người trong khả năng của mình liên hệ các nơi, đến tối y tế cử một xe và cán bộ y tế xuống tận nhà. Họ tổ chức xét nghiệm nhanh và sau khi có kết quả, người mẹ được đưa đi điều trị ở cơ sở y tế, 2 bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng. Hộ... có người đang nguy kịch...
Chuyện cung cấp thực phẩm trong khu phong tỏa
Gia đình tôi không dự trữ lương thực, thực phẩm như một số gia đình khác bởi đây không phải là đợt giãn cách xã hội đầu tiên mà gia đình tôi trải nghiệm. Gia đình tôi đã có nhiều trải nghiệm qua nhiều đợt giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau của TP trước đó. Theo kinh nghiệm, tôi thấy vấn đề cung cấp thực phẩm trong thời gian giãn cách xã hội ở TP nà không có vấn đề gì đáng lo.
Thực tế, những trải nghiệm về thiếu hụt thực phẩm trong thời gian giãn cách xã hội, đồng thời bị phong tỏa vừa qua của gia đình tôi khác hẳn các lần giãn cách trước đây. Khi chung cư của chúng tôi bị phong tỏa, trong nhà tôi có 20kg gạo và một ít thực phẩm trong tủ lạnh đủ dùng trong vài ngày. Sau 3 ngày bị phong tỏa nhà tôi hết thức ăn, vợ tôi lên mạng đặt hàng và chúng tôi nghĩ đơn giản là chậm nhất 1 ngày sẽ nhận thực phẩm. Thế nhưng sau đó, đơn hàng của chúng tôi bị hủy... Vợ tôi cố gắng lên mạng đặt hàng nhiều lần, nhưng không thành công, lần thì bị nghẽn mạng, lần thì bị hủy đơn hàng... Theo thông báo của phường, Hội phụ nữ phường nhận đi chợ giúp cư dân đang sống trong khu phong tỏa, nhà tôi đặt mua một số thực phẩm thiết yếu nhưng được thông báo phải 3 ngày sau mới có hàng, không còn cách nào khác, chúng tôi chuyển tiền và chờ đợi. Kết quả chúng tôi chỉ được giao vài lạng thịt heo và 1kg cá nục ươn, 4 lát cá thu, rau xanh không hề có... một sự thất vọng quá lớn.
Xem hàng hoá thấy rằng có xuất xứ từ siêu thị Aeon Tân Phú. Tôi đoán rằng, sau khi nhận đơn hàng của cư dân, hội phụ nữ đã lên mạng đặt hàng của siêu thị và chờ đợi vì chợ truyền thống đã đóng cửa hết. Từ Tân Phú hàng được chuyển về Bình Thạnh qua một quãng đường xa và không biết bao nhiêu trạm kiểm soát, thật là bất cập.
Để giải quyết vấn đề thực phẩm, vợ tôi nhờ một người công tác cùng đơn vị trực tiếp đi siêu thị gần nhà, sau đó mang đến vùng giáp ranh, chúng tôi nhờ bảo vệ ra lấy mang vào. Đây là cách làm hiệu quả nhất giúp chúng tôi có thực phẩm để sống qua thời gian phong tỏa.
Một vấn đề khác mà tôi nhận thấy giá cả hàng hoá thực phẩm thiết yếu quá đắt. Đơn cử như trứng gà, trứng vịt chúng tôi nhờ mua tại siêu thị Co.op Food gần nhà đều trên 40.000 đồng/vỉ 10 quả trứng nhỏ, đắt gần gấp đôi so với trước giãn cách xã hội.
Thực lòng, trong suy nghĩ của tôi, chuyện ăn uống chỉ là một chuyện nhỏ trong thời gian dịch bệnh bùng phát này, tuy nhiên nếu kéo dài nó sẽ làm cho người ta bức xúc vô cùng và giá cả hàng hóa quá đắt sẽ nhanh chóng vét cạn chút tiền tích lũy của từng gia đình.
Chuyện tình nghĩa
Trong những ngày sống trong khu vực bị phong tỏa, gia đình chúng tôi lần đầu tiên trong đời đã "phải" nhận hàng hóa từ thiện. Chúng tôi nhận hàng từ thiện không phải vì chúng tôi không thể lo được thực phẩm cho mình, đơn giản chúng tôi xin được nhận tấm lòng của mọi người và nguyện khi có cơ hội xin được làm gì đó để đền đáp lại.
Hàng hóa từ thiện dành cho cư dân bị phong tỏa, gồm một ít cải, 5 quả trứng vịt và một ít cá cơm khô |
Hàng từ thiện chúng tôi nhận được phần nhiều là rau xanh, có lúc là 2 bắp cải, có lúc là một bó rau tần ô, rau cải, rau muống, có khi là 3 trái thanh long vài trái chanh, một bịch dưa leo, củ cải... Có lần chúng tôi được phân bổ 3 hộp cơm chay đẹp mắt, rồi sau đó chúng tôi lại nhận được một phần quà gồm 1 bao gạo 5kg, 2 gói miến, 2 chai nước tương (xì dầu)... Giá trị vật chất của những món quà từ thiện là không lớn, nhưng khi nghĩ đến việc những người làm từ thiện đã vất vả ra sao khi đưa mớ rau củ từ các tỉnh thành vượt qua hàng trăm cây số, vượt qua không biết bao nhiêu chốt kiểm tra để trao tận tay người sống trong khu phong tỏa, tôi đã rất cảm động và rất trân trọng món quà vô giá đó.
Có một chuyện tình nghĩa khác cũng làm tôi xúc động, trường hợp hộ ... có người bị mất, gia cảnh khó khăn, việc quyên góp hỗ trợ gia đình người bị mất được phát động trên nhóm chat Zalo của cộng đồng cư dân, chỉ một ngày sau tổng số tiền mang về đã đủ để trang trải chi phí đám tang cho người xấu số. Gia đình tôi cũng góp một ít trong đó, dù giá trị không lớn nhưng khi hoạn nạn nhiều người chung tay đã giúp làm vơi đi những bất hạnh của một gia đình...
Một tháng sống trong khu vực bị phong tỏa, chứng kiến những người mình biết bỗng dưng biến mất trên cõi đời do Covid-19, những cái chết không đám tang, không người thăm viếng... Những trải nghiệm đau thương khiến tôi hiểu rằng được sống khỏe mạnh có ý nghĩa to lớn như thế nào.