Phụ huynh tìm cách giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng sách giáo khoa

Nam Du- Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sách giáo khoa (SGK) tăng giá trong năm học 2022- 2023 là điều phụ huynh đã từng nghe, từng biết. Việc có nhiều đầu SGK trong một bộ và giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng sách là vấn đề đang được dư luận xã hội và phụ huynh quan tâm.

Bộ SGK- mỗi trường mỗi giá

Việc đăng ký mua SGK (trừ với học sinh đầu cấp lớp 1, 6, 10), thông thường được nhà trường triển khai ngay từ khi kết thúc năm học cũ. Sau khi thống nhất, danh mục SGK theo từng khối sẽ được giáo viên chủ nhiệm công khai gửi phụ huynh để chọn lựa, đăng ký.

Việc đăng ký SGK được các nhà trường triển khai hàng năm (Ảnh: Nam Du)
Việc đăng ký SGK được các nhà trường triển khai hàng năm (Ảnh: Nam Du)

Một vấn đề đáng quan tâm là mỗi cuốn SGK có giá cố định nhưng giá trọn bộ sách thì mỗi trường mỗi khác, bất kể theo chương trình cũ hay chương trình mới. Cùng lớp 1 nhưng có trường bộ sách giá ngót 200.000 đồng song cũng có trường, giá trọn bộ lên đến hơn 600.000 đồng. Nguyên nhân bởi các trường chọn số lượng đầu sách/bộ sách không giống nhau.

Chị Nguyễn Mai Phương (trú tại quận Cầu Giấy) và chị Nguyễn Mai Anh (trú tại quận Ba Đình) đều có con bước vào lớp 1. Trong khi sách của con chị Mai Phương, cả bộ có 12 cuốn với tổng giá 199.000 thì con chị Mai Anh, cả bộ sách có 21 cuốn với giá 641.000 đồng. Danh mục sách lớp 1 của con chị Mai Anh, ngoài các SGK cơ bản thì thêm một số cuốn về các hoạt động giáo dục như: Hoạt động trải nghiệm; An toàn giao thông; Giáo dục phòng chống bạo lực học đường; Giáo dục quyền và bổn phận của trẻ em; Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; Bộ đồ dùng Toán và Tiếng Việt, bộ hình khối…

“Con vừa vào lớp 1 mà có quá nhiều sách như vậy thì học, đọc, dạy thời gian nào? Một tiết trên lớp 35 phút, các con chủ yếu học đọc, học viết. Bố mẹ về nhà cũng không có quá nhiều thời gian kèm con học theo sách. Hơn nữa, các hoạt động giáo dục hoàn toàn có thể dạy bằng hình ảnh mà không cần mua sách. Tôi đã định bỏ bớt một số cuốn nhưng sau đó vẫn ngậm ngùi mua trọn bộ cho con”- chị Mai Anh bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Dung- cán bộ Thư viện trường Tiểu học Trường Yên, huyện Chương Mỹ cho biết: Có khoảng 80% phụ huynh học sinh đăng ký mua SGK với nhà trường gồm SGK và sách bài tập. Với trường Tiểu học Trường Yên, SGK được chọn lựa kỹ từ các tổ chuyên môn và chỉ triển khai đến phụ huynh các cuốn sách cơ bản, phục vụ xuyên suốt chương trình năm học của học sinh. Cùng cấp học, cùng bộ sách nhưng giá khác nhau là điều dễ hiểu vì tùy thuộc vào việc trường chọn sách gì và sách của nhà xuất bản nào.

Phụ huynh có thể chọn lọc sách để mua

Nhà giáo Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông cho hay: Danh mục SGK theo chương trình học của nhà trường được công khai đến cha mẹ học sinh. Nhà trường phát danh mục sách này để phụ huynh nghiên cứu, chọn lựa, nếu ai có nhu cầu mua tại nhà trường sẽ đăng ký. Với phụ huynh không có nhu cầu mua sách, chỉ muốn mua một vài cuốn hay mua cả bộ thì thể hiện qua phiếu đăng ký, nhà trường tổng hợp và đặt đúng số lượng theo yêu cầu phụ huynh. “Việc này giúp hạn chế tình trạng năm học mới đến mà học sinh không có sách học hoặc mua sách không đúng thể loại của nhà trường”- Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn chia sẻ.

Phụ huynh có trách nhiệm trong chọn lựa SGK cho con (Ảnh: Nam Du)
Phụ huynh có trách nhiệm trong chọn lựa SGK cho con (Ảnh: Nam Du)

Xác nhận sự việc trên, chị Phan Thu Hải, phụ huynh lớp 5 trường này cho biết, chị nhận được danh mục trọn bộ sách lớp 5 là 29 danh mục gồm cả SGK, sách bài tập, bộ dụng cụ học tập và chị đã đăng ký trọn bộ. “Tôi chủ động mua hết các đầu mục sách và bộ đồ dùng cho con vì tôi không có thời gian mua bổ sung nếu chương trình ở lớp yêu cầu. Mỗi cuốn SGK và sách bài tập hay bộ đồ dùng đều rất có ý nghĩa nhất định; trường hợp con không có nhiều thời gian học trên lớp thì về nhà tôi sẽ dạy và hướng dẫn con thêm”.

Năm nay con gái bước vào lớp 2 nhưng do đã xin được một bộ sách của hàng xóm học cùng trường nên chị Nguyễn Thị Lan Hương, trú tại quận Hoàng Mai chỉ đăng ký mua cho con sách bài tập. “Tôi đăng ký mua sách bài tập cơ bản gồm Toán, Tiếng Việt còn các sách khác như: Bài tập Đạo đức, Bài tập Tự nhiên xã hội, Bài tập Âm nhạc, Bài tập Hoạt động trải nghiệm là tôi không mua. Tôi thấy việc nhiều phụ huynh nhận được danh mục SGK của con nhưng không đọc đã đăng ký mua hết, để rồi có cuốn đến cuối năm học cũng ít có thời gian mở ra học là rất lãng phí”- chị Lan Hương nói.

Về vấn đề SGK, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát cho hay, hàng năm trước khi kết thúc năm học cũ, Phòng GD&ĐT huyện đều có văn bản yêu cầu các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc phát hành SGK phục vụ năm học mới.

Riêng đối với năm học 2022 – 2023, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã có văn bản số 213/GD&ĐT ngày 15/4/2022 gửi Hiệu trưởng các trường tiểu học và THCS về việc phát hành SGK phục vụ năm học 2022 – 2023.

Văn bản đề nghị các nhà trường thông báo danh mục SGK đã được phê duyệt đến giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả SGK; lựa chọn phương thức phát hành sách phù hợp trên tinh thần tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà trường, giáo viên, học sinh và không tổ chức bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo, các loại vở và học liệu khác.

Cũng theo ông Phạm Văn Ngát, việc lựa chọn SGK, ngoài vai trò của nhà trường còn có trách nhiệm của cha mẹ học sinh. Học sinh và phụ huynh nên lưu ý trong việc tìm hiểu, lựa chọn sách để đảm bảo phù hợp với nhu cầu, tránh sự lãng phí không cần thiết.

 

Tại Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT ngày 10/6/2022 về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để SGK được sử dụng lại lâu bền; Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK đã được phê duyệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành SGK; kịp thời in ấn, phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh.