Trước thực tế đó, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sẽ trở thành giải pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề trên. Với mong muốn nhìn nhận rõ những khó khăn, bất cập, tồn tại, tìm ra giải pháp, chiến lược phát triển lâu dài, bền vững hiệu quả cho VTHKCC, ngày 5/10, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cuộc tọa đàm “Giải pháp để hút khách đến với vận tải công cộng”.
Truyền tải thông điệp văn hóa giao thông
Hà Nội đã trở thành một đại đô thị về quy mô dân số và phương tiện cá nhân với hơn 8 triệu người, gần 7,5 triệu phương tiện giao thông. UTGT đang diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, mạng lưới VTHKCC của Thủ đô mới đáp ứng dưới 15% nhu cầu đi lại. Sức hút của VTHKCC chưa thực sự lan tỏa được đến đại bộ phận Nhân dân.
Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, từ năm 2012 đến nay, UBND TP Hà Nội đã giao cho báo Kinh tế & Đô thị thực hiện Chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô”.
Cuộc tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề về giao thông công cộng trong bối cảnh cả thế giới và Việt Nam đều đang cố gắng phục hồi kinh tế - xã hội sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Có thể nói, dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến các loại hình giao thông, trong đó có giao thông công cộng. Doanh thu của ngành vận tải công cộng bị ảnh hưởng trầm trọng, đến nay mới chỉ phục hồi được 60%. Trong khi đó, chủ trương của UBND TP Hà Nội là đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng.
“Buổi tọa đàm nhằm truyền tải thông điệp của chuyên gia giao thông, những người trực tiếp đang làm trong ngành GTVT công cộng về thực trạng, lợi ích và giải pháp trong thời gian tới để người dân có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông công cộng cũng như thể hiện trách nhiệm của TP Hà Nội trong việc đầu tư phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Qua đó, góp phần giúp TP Hà Nội sớm đạt được những mục tiêu đang đặt ra về môi trường, sức khỏe, giảm UTGT, ô nhiễm tiếng ồn…" – ông Nguyễn Minh Đức thông tin thêm.
Cùng với đó, tọa đàm cũng nhằm mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí methane của ngành GTVT.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho rằng, để nâng cao chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt cần rất nhiều giải pháp, trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền, truyền thông để người dân thay đổi thói quen, sử dụng vận tải công cộng.
“Hiện nay, chúng tôi đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng vận tải của xe buýt, đặc biệt là thái độ phục vụ của lái, phụ xe buýt. Song, cùng với sự thay đổi của đơn vị quản lý xe buýt, chúng tôi rất mong muốn người dân cũng chia sẻ với những khó khăn, áp lực mà hệ thống vận tải xe buýt phải đối mặt. Mỗi người dân hãy là những hành khách có văn hóa, văn minh” – ông Thái Hồ Phương chia sẻ.
Hút khách bằng cách nào?
Ông Thái Hồ Phương thông tin, mạng lưới vận tải công cộng của Hà Nội hiện nay có 154 tuyến với 132 tuyến có trợ giá… phổ cập đến tất cả các quận, huyện. Trong 9 tháng năm 2022, hệ thống xe buýt đã thu hút được 215 triệu lượt hành khách, đạt doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng. Như vậy, có thể khẳng định, hệ thống vận tải công cộng trên địa bàn TP đã cơ bản phục hồi, đáp ứng như cầu đi lại của người dân.
Chia sẻ về thuận lợi, khó khăn của một trong những đối tượng sử dụng VTHKC rất nhiều là sinh viên, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội Trương Thị Minh Huyền cho biết, trường có hơn 10.000 sinh viên. Trong đó, có khoảng 2.000 sinh viên tham gia VTHKCC, riêng số lượng sinh viên sử dụng vé tháng từ 1.000 - 1.500 người.
Bà Trương Thị Minh Huyền nhìn nhận, xe buýt đang đem lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên. Tuy nhiên, hạn chế cần khắc phục là thời gian di chuyển bằng xe buýt quá lâu, vào giờ cao điểm, phương tiện đông đúc, xe buýt phải chen chúc cùng các dòng phương tiện khác.
Bên cạnh đó, trên chuyến xe buýt đôi khi còn xảy ra tình trạng móc túi hay những hành vi thiếu chuẩn mực văn hóa. Hoặc thời gian xe buýt chạy kết thúc quá sớm khi dừng vận chuyển vào 9 giờ tối. Như vậy, với những sinh viên tham gia công tác Đoàn, Hội của nhà trường, thường xuyên về muộn hơn thời gian phục vụ hay các sinh viên đi làm thêm, tăng ca... không thể sử dụng xe buýt để đi lại.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư cho rằng, muốn phát triển giao thông công cộng cần nhiều giải pháp. Đầu tiên, phải làm tốt, phủ kín mạng lưới giao thông công cộng để làm sao người dân ở tất cả mọi nơi đều có thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, cần có một chính sách công bằng với giao thông công cộng cũng như tổ chức giao thông, chính sách quản lý giao thông hợp lý. Hay nói cách khác, những giải pháp đưa ra làm sao tạo ra lực vừa kéo, vừa đẩy, giao thông công cộng sẽ chiếm lĩnh được thị trường và chiếm được tình cảm của người dân.
“Trước tiên, TP Hà Nội cần có một trung tâm điều hành chung để kiểm soát đầy đủ các phương tiện giao thông thông công cộng. Làm thế nào cho hành khách khi sử dụng phương tiện gia thông công cộng một cách thuận lợi nhất” – ông Nguyễn Văn Dư nói.
Tổng Giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường cho hay: “Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hoạt động đến nay đã được gần một năm và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ về số lượng hành khách, chất lượng phục vụ cũng như văn hóa đi tàu của hành khách. Chúng tôi rút ra bài học là, để thành công trong lĩnh vực VTHKC bằng tàu điện, cần có cách tiếp cận và giải pháp riêng, không thể áp dụng những phương thức thực hiện trước của bất cứ quốc gia nào”.
Ông Vũ Hồng Trường thông tin, có 7 bài học chính mà đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã rút ra được. Cụ thể, luôn lắng nghe, nghiên cứu nhu cầu và đặc tính đi lại của hành khách để điều chỉnh thời gian, tần suất, dịch vụ sao cho phù hợp với thực tế. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận với xe buýt và nhà ga đường sắt nhưng hạn chế tối đa ngân sách của TP. Cùng đó, phải có chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng.
Như quãng đường dài thì trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít, vé tháng được kích hoạt trong 30 ngày, kể từ ngày đăng ký và có vé ngày dành cho người dân đi trải nghiệm. Ngoài ra, tăng cường kết nối hệ thống xe buýt công cộng và xây dựng văn hóa tham gia giao thông công cộng ngay từ đầu. Khai thác tối đa tiềm năng thương mại tuyến, tập trung dịch vụ thương mại cho hành khách.
"Từ khi có Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND của HĐND TP, số người tham gia, sử dụng xe buýt từ 20.000 người lên đến 500.000 người như hiện nay, tương đương khoảng 10 tỷ đồng/tháng. Chính sách này rất nhân văn, nhận được sự ủng hộ của Nhân dân... Điều này cũng lý giải tại sao, trợ giá cho xe buýt vẫn tăng dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng vận tải giảm." - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương
"Tính hết đến 4/10, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được 6.430.177 hành khách. Đặc biệt, từ đầu tháng 10 sinh viên nhập học, khách tăng hơn so với tháng 9 là 15%, ngày 4/10 đã đạt được kỷ lục vận chuyển 31.537 hành khách. Trong đó, 70% là những hành khách sử dụng thường xuyên bằng vé tháng đi học, đi làm. Lưu lượng giờ cao điểm hiện nay đạt 5.000 - 6.000 hành khách." - Tổng Giám đốc Hanoi Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường