70 năm giải phóng Thủ đô

Phục hồi hậu Covid-19: 5 dấu hiệu cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình phục hồi hậu Covid-19, khi thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào trong 5 dấu hiệu cảnh báo, người dân cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế.

Bộ Y tế đã có Quyết định số 1242/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19.

Theo Bộ Y tế, Covid-19 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và các triệu chứng lâu dài ảnh hưởng đến các sinh hoạt thường ngày.

Trong một số trường hợp, những triệu chứng này có thể tồn tại quá 12 tuần và nay được gọi là các tình trạng sau mắc Covid-19.

Trong tài liệu hướng dẫn, Bộ Y tế đưa ra lưu ý về những biến chứng y khoa có thể xuất hiện trong quá trình phục hồi sau khi mắc Covid-19.

Khi thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào trong 5 dấu hiệu cảnh báo , người dân cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế.
Khi thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào trong 5 dấu hiệu cảnh báo , người dân cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế.

Đặc biệt, khi thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào trong 5 dấu hiệu cảnh báo sau đây, người dân cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế:

Người dân thấy khó thở khi hoạt động nhẹ mà tình trạng này không cải thiện khi thực hiện bất kỳ tư thế làm giảm khó thở như: Nằm sấp; nằm nghiêng một bên cao đầu với đầu gối co nhẹ; ngồi cúi đầu ra trước; đứng cúi đầu ra trước, tay chống hông hoặc eo; thực hiện các kỹ thuật tập thở…

Có sự thay đổi tình trạng khó thở khi nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hơn khi thực hiện các kỹ thuật vận động và tập thể dục.

Thấy đau ngực, tim đập nhanh hoặc chóng mặt khi ở một số tư thế hoặc trong quá trình tập luyện hay hoạt động thể lực.

Tình trạng lẫn lộn ngày càng xấu đi hoặc bạn cảm thấy khó nói hay khó hiểu lời nói.

Thay đổi cảm giác và vận động trên mặt, tay hay chân, đặc biệt là các dấu hiệu này chỉ có ở một bên cơ thể hoặc tình trạng lo âu hay tâm trạng xấu đi, hay có ý nghĩ muốn làm hại bản thân.

Trong tài liệu hướng dẫn này, Bộ Y tế còn đưa ra lưu ý về vấn đề khám và tư vấn quản lý mệt mỏi - một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn hồi phục sau mắc Covid-19.

Khi mệt mỏi, người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể mình rất nặng nề và ngay cả những hoạt động thể lực dù nhẹ nhàng cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Người bệnh sẽ khó tập trung suy nghĩ, hoặc tiếp nhận thông tin mới, trí nhớ cũng như công việc, học tập bị ảnh hưởng. Thậm chí, việc tìm từ ngữ đơn giản để viết hay nói có thể trở thành khó khăn.

Theo Bộ Y tế, nếu mệt mỏi trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, người dân nên xây dựng một kế hoạch linh hoạt cho phép hoạt động trong khả năng hiện tại và tránh bị quá tải.

Xác định những hoạt động nào trong ngày là cần thiết - nghĩa là những việc nào “cần” làm và những việc bạn “muốn” làm, những việc nào có thể được thực hiện vào một thời điểm khác, một ngày khác và những việc mà người khác có thể hỗ trợ…

Người dân cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài mặc dù đã tự điều chỉnh về nhịp độ và các hoạt động ưu tiên.

Những mệt mỏi đó ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày kèm theo một số triệu chứng như: Mệt mỏi sau khi làm việc gắng sức và kéo dài trên 24 giờ; ngủ không yên giấc; suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung; đau cơ, đau nhiều khớp nhưng không sưng, nóng, đỏ; đau họng hoặc loét miệng; đau đầu…

Đặc biệt, người dân không nên trì hoãn mà cần đi khám tại các phòng khám chuyên khoa tương ứng nếu cảm thấy mệt mỏi kéo dài sau mắc Covid-19, đồng thời, có bệnh mạn tính về tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim...); bệnh nội khoa (đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...) hoặc có biến chứng về tim mạch, hô hấp... trong thời gian nhiễm Covid-19.