Phúc Sinh Group - nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ khai thác "mỏ vàng" trong nông nghiệp, Công ty CP Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) đã dần vươn lên trở thành một trong những DN hàng đầu trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, với 2 mặt hàng chủ lực là cà phê và hồ tiêu.

Kiên định cùng cà phê nguyên chất

Cách đây hơn 10 năm, sau khi trở thành nhà xuất khẩu tiêu số 1 và cà phê số 2 Việt Nam, Phúc Sinh Group vẫn miệt mài đầu tư vào mở rộng vùng trồng - nhà máy sản xuất để hướng tới chế biến sâu, mở rộng nguồn cung và khách hàng để có thể mua và bán hàng khắp thế giới.

Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh Phan Minh Thông tự hào: "Phúc Sinh luôn muốn xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam, hạt tiêu Việt Nam, vì vậy 100% lô hàng xuất khẩu của Phúc Sinh đều được dán nhãn Phúc Sinh, với xuất xứ "Made in Vietnam". Chúng tôi vẫn làm hàng thô, nhưng mọi sản phẩm đều được mang tên Phúc Sinh".

Phúc Sinh Group đã định hướng phát triển chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm cho hạt cà phê, hồ tiêu, theo đó đã xây dựng các nhà máy chế biến sâu, áp dụng các công nghệ hiện đại. Ảnh: Phúc Sinh Group
Phúc Sinh Group đã định hướng phát triển chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm cho hạt cà phê, hồ tiêu, theo đó đã xây dựng các nhà máy chế biến sâu, áp dụng các công nghệ hiện đại. Ảnh: Phúc Sinh Group

Theo đó, về xuất khẩu hồ tiêu, Phúc Sinh Group đã trở thành công ty hàng đầu Việt Nam với 8% thị phần toàn cầu. Đồng thời, mỗi năm Phúc Sinh Group còn xuất khẩu từ 60.000 - 70.000 tấn cà phê nguyên liệu, nằm trong Top 4 các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam. Với cam kết 3 không: “không màu hoá học - không mùi gây hại - không trộn đậu bắp, đầu nành”, đến nay, các sản phẩm của Phúc Sinh Group đã có mặt tại khoảng 102 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nga, Đức…

Thành công vang dội trên thương trường quốc tế, song vài năm gần đây, Phúc Sinh Group còn đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam, khi ra mắt Công ty Phúc Sinh Consumer và hiện đang sở hữu 7 quán cà phê K Coffee với không gian rộng và vị trí đắc địa ở các quận trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group cho biết, hoạt động bán lẻ cà phê ra thị trường trong nước được kỳ vọng mang lại lợi nhuận biên tốt hơn so với hoạt động xuất khẩu. Mặc dù vậy, việc chuyển đổi từ một DN chuyên xuất khẩu sang sản xuất và bán lẻ trong nước không đơn giản.

Thị trường cà phê hòa tan trong nước hiện có quy mô hàng tỷ USD, là sân chơi của Nestle, Trung Nguyên, Vinacafe hay mới đây nhất là cả Nutifood. Chưa kể, để có chỗ đứng, Phúc Sinh còn phải cạnh tranh với các loại cà phê không nhãn có pha phụ gia vẫn đang được bày bán rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, cùng sự lớn mạnh về tiềm lực kinh tế, Phúc Sinh Group thành công xây dựng 7 nhà máy chế biến đặt tại các vùng cà phê trọng điểm từ miền Bắc đến khu vực TP Hồ Chí Minh, xây dựng vị thế riêng với những dòng sản phẩm tạo được nhiều tiếng vang.

Phúc Sinh Group được định giá 320 triệu USD

Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển (2001 - 2024), Phúc Sinh Group từ một DN khởi nghiệp với vài chục triệu đồng đã lớn mạnh thành DN với 1 công ty cổ phần có doanh thu hàng triệu USD/năm.

Với hành trình phát triển ấn tượng, mới đây, Phúc Sinh Group thành công ký kết thỏa thuận nhận vốn đầu tư từ một quỹ đến từ châu Âu. Danh tính của quỹ và giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng Phúc Sinh được định giá ở mức 320 triệu USD.

“Nhìn lại quãng đường hơn 20 năm qua với quyết định nhận vốn đầu tư lần này, đối với tôi đây là một việc tín hiệu tích cực trong việc phát triển và là đòn bẩy để Phúc Sinh nhảy vọt, nâng tầm giá trị ở tầm vóc mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến tạo bước phát triển khác biệt mới trong tương lai. Cùng với đó, chúng tôi luôn luôn nỗ lực, cố gắng trong vấn đề quản trị cải tiến công việc sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp với xu hướng thế giới. Bởi vì xu hướng thế giới là luôn thay đổi, nên Phúc Sinh cũng không ngừng đầu tư để thay đổi, cải tiến” - ông Phan Minh Thông nói.

Đồng thời, ông Thông nhấn mạnh, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh và cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, Việt Nam được các khách hàng quan tâm nhiều vì là thị trường cung cấp lương thực, thực phẩm cho rất nhiều nước trên thế giới.

“Đất nước chúng ta từng được ví là “bếp ăn” của thế giới, và cũng có thể nói rộng hơn, là “vựa” lương thực - thực phẩm của thế giới. Do đó, trở thành một trong những thương hiệu từ Việt Nam đi khắp 5 châu, đối với Phúc Sinh Group, càng ra biển lớn, chúng tôi càng tự tin hội nhập” - ông Thông chia sẻ.

Kết thúc năm 2023 vừa qua, Phúc Sinh Group tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu về xuất khẩu gia vị của cả nước (Phúc Sinh đã dẫn đầu kể từ năm 2007) với mức tăng trưởng chung 18% so với năm 2022. Trong đó, công ty xuất khẩu gia vị sang thị trường EU tăng mạnh lên 16,5% thị phần (năm 2022 công ty đạt thị phần 8,4%) và cũng đang dẫn đầu trong số các DN xuất khẩu sản phẩm này.