Đề xuất phân loại giấy phép lái xe thành 11 hạng:

Phức tạp, khó khả thi

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất phân 11 hạng bằng lái xe trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà Bộ Công an đưa ra đang nhận được nhiều ý kiến phản đối của dư luận.

Trong dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất phân loại giấy phép lái xe thành 11 hạng, với các tên gọi có sự khác biệt so với hiện nay, gồm A01, A2, A3, B, C, D, D2, BE, CE, D2E và DE.

Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông ngay khi vừa đọc được đề xuất này đã thẳng thắn cho rằng, việc phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) thành 11 hạng là không phù hợp với Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (Công ước Viên) trong việc cấp, sử dụng GPLX quốc tế. Vị chuyên gia này không quên nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, cần đảm bảo pháp luật nội địa có sự tương thích với pháp luật quốc tế. Không những thế, nếu phân chia GPLX thành 11 hạng sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác tổ chức đánh giá thi sát hạch và cấp GPLX, cũng như khó bảo đảm tính khả thi trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện trong thực tế.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Công an đưa ra đề xuất chia nhỏ phân hạng GPLX. Trong đề xuất vào năm 2020, cơ quan này còn muốn chia GPLX tới 17 hạng; đồng thời đề xuất mọi loại GPLX được cấp 12 điểm. Số điểm này sẽ bị trừ khi vi phạm luật giao thông. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu hết 12 điểm, GPLX bị coi không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp bằng lái mới phải học và thi sát hạch trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX bị coi không còn hiệu lực. Đương nhiên, đề xuất này vào thời điểm đó đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nên chưa được thông qua. Nhưng với động thái mới đây nhất, xem ra cơ quan này vẫn chưa từ bỏ ý định chia nhỏ phân hạng GPLX.

Trên thực tế, đây mới chỉ là đề xuất được đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an. Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại GPLX thành 11 hạng có không ít hạn chế, bất cập. Đơn cử, đối với xe máy hạng A được quy định chi tiết thành các hạng A01, A2, và A3. Việc phân chia thành các hạng chi tiết này cần phải dựa trên đánh giá nghĩa của nó trong công tác quản lý cũng như sự cần thiết của việc phân hạng.

Bởi lẽ khi đặt ra nhiều hạng chi tiết, kèm theo đó cần có quy trình cụ thể cho việc đánh giá, sát hạch và cấp GPLX. Người lái xe hạng A01 hoàn toàn có khả năng để lái xe ba bánh không? Hay như đối với GPLX hạng B, việc chỉ dựa vào trọng lượng rơ moóc là 750kg để phân loại hạng B và BE sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác giám sát tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế, tính khả thi liệu có được đảm bảo? Hơn nữa, quy định này là không phù hợp với tinh thần của Công ước Viên, bởi theo quy định của Công ước Viên, đối với “xe có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750kg” phải thuộc hạng mục E (tổ hợp phương tiện).

Xét cho cùng, bản thân GPLX chỉ là một loại giấy tờ sinh ra để công nhận người sở hữu nó đã được trải qua quá trình đào tạo và sát hạch chuyên môn điều khiển phương tiện của cơ quan có thẩm quyền. Hay nói một cách đơn giản, GPLX chính là giấy chứng nhận người sở hữu nó đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông một cách an toàn, đúng luật. Vậy tại sao cứ phải phức tạp hóa thứ giấy tờ vốn dĩ rất đơn giản này?

Việc cấp GPLX không chỉ dựa vào phương tiện mà dựa trên đánh giá, sát hạch khả năng, năng lực điều khiển phương tiện để cấp. Thiết nghĩ, thay vì cố gắng phức tạp hóa vấn đề bằng cách phân chia thành các hạng chi tiết như đề xuất của Bộ Công an, tại sao những nhà làm luật không tập trung vào việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Để GPLX thật sự trở thành một loại giấy bảo đảm cho những người được sở hữu nó mỗi khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần