Có nguy cơ phá sản nếu bị thu lại tiền
Ngày 30/10, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Hứa Thị Phấn cùng 10 đồng phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank, nay là Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – CBBank).
Trong phần đối đáp, các luật sư đại diện theo pháp luật của các tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên quan điểm của đơn vị mình và thân chủ. Đại diện Ngân hàng AgriBank chi nhánh Sài Gòn, cho rằng phương pháp “truy ngược dòng tiền” mà Cơ quan CSĐT áp dụng thiếu chứng cứ. Vì để xác định dòng tiền trả nợ thì phải xác định nguồn tiền từ đâu. Đại diện ngân hàng này cũng đề nghị Viện KSND xem xét lại mục đích ban đầu của hành vi thu – chi khống của nhóm Hứa Thị Phấn thì mới kết luận số tiền mà AgriBank thu hồi nợ có nguồn gốc từ đó không. Việc Viện KSND cho rằng tiền thu hồi là vật chứng để thu lại cho Nhà nước thì tiền của AgriBank cũng là tài sản của Nhà nước, vì vậy đề nghị xem xét.
Đại diện Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) thì cho rằng nguồn tiền của đơn vị là hợp pháp, lấy từ bán trái phiếu và vay ngân hàng. Việc đầu tư hợp tác kinh doanh với bị cáo Ngô Kim Huệ (nhóm Phú Mỹ của bị cáo Hứa Thị Phấn) là hợp pháp, tự nguyện, minh bạch. Sau khi nhóm Phú Mỹ không thực hiện hợp đồng thì phải trả lại cho VNECO số tiền 310 tỷ đồng. Thời điểm 2010-2011, sau khi lấy lại tiền, VNECO đã phân phối cho cổ đông. Hiện nay VNECO có 3.000 cổ đông và trên 2.000 lao động, nếu thu lại 200 tỷ đồng theo bản án sơ thẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động, cổ đông và công ty có nguy cơ phá sản. Đặc biệt các công trình xây dựng điện quốc gia sẽ bị chậm trễ, thiệt hại lớn cho Nhà nước và xã hội.
Bị cáo Loan xin lỗi HĐXX phiên sơ thẩm
Còn đại diện Viện KSND tiếp tục giữ nguyên quan điểm của mình, của bản án sơ thẩm. Đối với trách nhiệm dân sự, trong phiên tòa này phía CBBank xác định chỉ đòi tiền, buộc bị cáo Phấn cùng đồng phạm bồi thường. Về số tiền 208 tỷ đồng mà án sơ thẩm buộc bị cáo Ngô Thị Ngân (SN 1965, nguyên thủ quỹ chính TrustBank chi nhánh Sài Gòn, Lam Giang) bồi thường, đại diện Viện KSND cho rằng không có chứng từ thể hiện việc chi 208 tỷ đồng nên buộc bị cáo bồi thường là có cơ sở.
Khi được nói lời sau cùng, 8 bị cáo có mặt (vắng 3 bị cáo: Hứa Thị Phấn, Ngô Nguyễn Đoan Trang và Lâm Hứa Quỳnh Trinh) đều gửi lời cảm ơn đại diện Viện KSND Cấp cao và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Bùi Thị Kim Loan (SN 1978, nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, án sơ thẩm xử 28 năm tù về 2 tội) nói trong nước mắt: “Do bị cáo mới sinh con, đồng thời chồng bị tâm thần cũng bị xét xử trong vụ án nên tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không nhận thức được vụ việc dẫn đến có những hành động bột phát, làm mất đi cơ hội cho mình. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến HĐXX phiên tòa sơ thẩm, cảm ơn đại diện Viện KSND đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong phiên phúc thẩm. Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án cho chồng bị cáo và chồng”. Còn bị cáo Ngân tiếp tục mong HĐXX xem xét số tiền 208 tỷ đồng vì theo bị cáo không sử dụng số tiền đó, bị cáo chỉ làm công ăn lương. Các anh chị em của bị cáo hầu hết làm lao công, tạp vụ… nên không thể có tiền giúp bị cáo khắc phục hậu quả.
Trước khi kết thúc phiên tòa để nghị án, chủ tọa Phan Thanh Tùng đã thay mặt HĐXX gửi lời cảm ơn các bị cáo, cảm ơn đại diện Viện KSND, các luật sư, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã chấp hành đúng quy định trong quá trình tham gia tố tụng. Cũng theo chủ tọa phiên tòa, HĐXX sẽ tuyên án vào lúc 9h 30 phút sáng thứ sáu (2/11).