Phúc thẩm vụ DABank: Y án đối với Vũ “nhôm”, giảm án 4 bị cáo

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là phán quyết của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh trong phiên xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” gây thiệt hại trên 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DABank).

Các kháng cáo đều của bị cáo “dính” án tù giam
Chiều 7/6, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên án 18 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án xảy ra tại DABank. Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với 26 bị cáo: Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc DABank, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD DABank) chung thân về 2 tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc DABank), lĩnh 30 năm tù cùng 2 tội danh như bị cáo Bình.
 Cảnh sát áp giải bị cáo Trần Phương Bình (án chung thân) về trại giam
Các bị cáo Nguyễn Đức Vinh 16 năm, Nguyễn Văn Thuận và Đỗ Thanh Hùng cùng 15 năm, Nguyễn Đức Tài và Phạm Văn Phước cùng 13 năm, Trần Thế Hùng 10 năm, Lê Kiên Giang và Nguyễn Thị Ái Lan cùng 9 năm, Nguyễn Đỗ Thành Trung 7 năm, Nguyễn Thị Kim Loan 6 năm, Nguyễn Hồng Ánh 10 năm, Nguyễn Hồ Bảo Quốc 2 năm 6 tháng, Vũ Thị Thanh Hoa và Trang Tài Tâm cùng Nguyễn Chí Công 2 năm.
Đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, SN 1975, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) bị 17 năm về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với bản án 8 năm của TAND Cấp cao tại TP Hà Nội thành 25 năm tù. Các bị cáo lĩnh án tù treo, gồm: Nguyễn Thị Cúc, Quách Thành Sang, Phan Thị Tố Loan, Trương Hoàng Khải, Võ Hoàng Đông, Nguyễn Vinh Sơn, Trương Quốc Tân. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Vân (SN 1970, nguyên Phó Tổng Giám đốc DABank) 2 năm 9 ngày tù, được trả tự do tại tòa sơ thẩm.
Sau phiên tòa sơ thẩm, 18 bị cáo dính án tù giam kháng cáo. Trong đó, Trần Phương Bình chỉ kháng cáo phần trách nhiệm dân sự của bản thân và xin chịu trách nhiệm dân sự cho 5 bị cáo khác cùng 1 cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các bị cáo còn lại xin giảm nhẹ mức án hoặc xin xử tù treo, xin giảm số tiền đền bù thiệt hại, xin giải tỏa các tài sản của gia đình đang bị kê biên. Nhưng đối với bị cáo Xuyến và Vũ “nhôm” kháng cáo kêu oan. Vũ cho rằng cấp sơ thẩm chưa đánh giá toàn diện, khách quan chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Tại tòa sơ thẩm bị cáo Trần Phương Bình thừa nhận đã che giấu Vũ tình trạng xấu của DABank. Vũ không chiếm đoạt 203 tỷ đồng của DABank, tiền này mượn của cá nhân Bình.
Bác kháng cáo của 14 bị cáo và DABank
Trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra từ ngày 27/5 - 7/6, Trần Phương Bình tiếp tục khẳng định đã cố tình giấu Vũ “nhôm” tình trạng âm quỹ của DABank, việc bán cổ phần (CP) DABank nhằm tăng vốn điều lệ, bán CP cho Vũ nhằm lôi kéo Vũ vào HĐQT DABank.
 Phan Văn Anh Vũ bị tuyên y án sơ thẩm 17 năm, tổng hợp với án của TAND Cấp cao tại TP Hà Nội, Vũ lĩnh 25 năm
Còn Vũ “nhôm” tiếp tục khẳng định trong việc mua 60.000 CP DABank, Vũ không bàn bạc, không cùng mục đích, ý chí với Bình. “Khi nghe anh Bình nói bán CP để tăng vốn điều lệ, bị cáo thế chấp 220 bất động sản giá 600 tỷ, nhưng chị Xuyến chỉ đồng ý 400 tỷ. Do anh Bình muốn bán nguyên gói 60.000 CP giá 600 tỷ, nên gọi bị cáo qua ngân hàng để cho mượn thêm 200 tỷ đồng là tiền anh Bình. Viện KSND quy kết bị cáo ký khống phiếu nộp tiền và bảng kê tiền cũng không đúng. Vì tại tòa phúc thẩm, anh Bình vẫn khẳng định giấu bị cáo tình trạng DABank âm quỹ nên bằng mọi cách mời bị cáo mua CP. Về phiếu nộp tiền và bảng kê tiền do anh Vinh viết sẵn, bị cáo chỉ ký. Bị cáo mong HĐXX xem xét thấu đáo, tôn trọng sự thật, chứng cứ, đánh giá đúng bản chất, đặc biệt lời khai của Trần Phương Bình. Vì không phải cáo trạng nào cũng đúng”, bị cáo Vũ khẳng định.
HĐXX phúc thẩm nhận định các chứng cứ trong hồ sơ, diễn tiến tại tòa có đủ cơ sở kết luận cấp sơ thẩm xử đúng người, đúng tội, không oan sai. Bị cáo Bình gây thiệt hại trên 3.608 tỷ. Trong đó chiếm đoạt 1.160 tỷ đồng mua hơn 74,2 triệu CP DABank; 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép.
Bị cáo Xuyến lợi dụng việc cho Cao Ngọc Huy vay 270 tỷ, từ đó chỉ đạo cấp dưới chuyển 40 tỷ đồng vào tài khoản người thân của mình. Đối với Vũ “nhôm” dù không bàn bạc với Bình. Nhưng sau khi DABank không thể tăng vốn điều lệ, Bình vẫn chuyển hơn 600 tỷ (gồm 200 tỷ vay khống) vào tài khoản công ty của Vũ, nhưng Vũ không trả lại 200 tỷ này. Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ tội của 15 bị cáo còn lại, HĐXX phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm đã lượng hình, xử các bị cáo nhẹ hơn khung quy định.
 Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến được cảnh sát đưa vào phòng trực tuyến để được chăm sóc sức khỏe và nghe tuyên án qua màn hình
Đối với kháng cáo của DABank yêu cầu các bị cáo bồi thường tiền gốc 1.220 tỷ đồng (tính từ ngày xử sơ thẩm 27/1/2018), không có cơ sở vì cấp sơ thẩm tính tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 9/2016) các khoản thiệt hại không phát sinh.
Từ những phân tích trên, HĐXX tòa phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phan Văn Anh Vũ, 11 bị cáo xin giảm nhẹ án, kháng cáo của DABank. Đồng thời tuyên y án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự lẫn dân sự đối với 14 bị cáo này.
Giảm án 4 bị cáo
Đối với kháng cáo của các bị cáo: Nguyễn Thị Ái Lan, Nguyễn Hồ Bảo Quốc, Vũ Thị Thanh Hoa và Trang Tài Tâm. HĐXX nhận định các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, bị chỉ đạo và có vai trò thứ yếu. Vì vậy tuyên giảm từ 9 năm xuống 7 năm đối với bị cáo Lan, 3 bị cáo còn lại từ án từ giam thành tù treo.
Trong lúc HĐXX đọc bản án và tuyên án, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến bị choáng nên được HĐXX cho phép được ngồi tại phòng máy trực tuyến để bác sĩ chăm sóc sức khỏe và nghe tuyên án qua màn hình.
Tiếp tục kiến nghị điều tra vi phạm của nhiều cá nhân
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tòa phúc thẩm tuyên Trần Phương Bình bồi thường hơn 3.568 tỷ đồng; Nguyễn Thị Kim Xuyến liên đới 1.574 tỷ đồng với Bình và phải bồi thường 40 tỷ chiếm riêng; Phạm Văn Phước trả lại trên 9,2 tỷ đồng, Nguyễn Hồng Ánh trả trên 53 tỷ và phải trả lãi phát sinh; Phan Văn Anh Vũ phải trả 13,4 triệu USD cho DABank. Tịch thu tất cả các tài sản của Trần Phương Bình và các bị cáo khác đứng tên giúp cũng như của Vũ “nhôm”, Công ty của Vũ “nhôm”, Xuyến đang bị kê biên (hơn 125 triệu CP, chiếm 24,88% vốn điều lệ DABank); thu hồi các khoản tiền được xác định vật chứng trong vụ án.
Theo đề nghị của đại diện Viện KSND Cấp cao tại phiên tòa, HĐXX phúc thẩm tiếp tục yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an, Viện KSND Tối cao điều tra, làm rõ 8 kiến nghị của án sơ thẩm để xử lý theo quy định pháp luật đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, gồm: Bà Võ Thị Kim Anh (nguyên Kế toán trưởng Hội sở DABank); ông Trần Huy Nam (nguyên Giám đốc DABank chi nhánh tỉnh Nam Định); các cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học; Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam dù tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trên chục lần nhưng vẫn không phát hiện hàng loạt sai phạm tại DABank! Để từ đó Trần Phương Bình gây thiệt hại trên 3.608 tỷ đồng, chiếm đoạt trên 1.160 tỷ đồng mua trên 74,2 triệu CP DABank đứng tên mình và người thân (bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận; bố bà Dung; các con của ông Bình và bà Dung).
Đối với kiến nghị tại phiên tòa của Viện KSND Cấp cao đề nghị HĐXX yêu cầu CQĐT tiến hành điều tra, truy tố ông Phạm Văn Tân (nguyên trợ lý của Trần Phương Bình), không được HĐXX phúc thẩm xem xét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần