Phương án lưu thông hàng hóa trong tình hình mới

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, việc lưu thông hàng hóa trong tình hình mới cần được tính tới ngay từ thời điểm này khi dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát tại nhiều địa phương và sắp tới lệnh giãn cách xã hội ở nhiều nơi cũng sẽ được gỡ bỏ.

 Vận tải hàng hóa trong tình hình mới cần một kịch bản, phương án mới phù hợp (Ảnh: Thành Nam).
Tình hình mới cần giải pháp mới
Sau nhiều tháng diễn biễn căng thẳng và vô cùng phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam, dịch bệnh Covid-19 đang dần dần được kiểm soát tốt. Ngay tại thời điểm này, một số địa phương đã nới lỏng những điều kiện giãn cách để tại điều kiện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh vẫn giữ được quỹ đạo tích cực như hiện nay, khả năng nhiều địa phương gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội trong tương lai gần là nhãn tiền. Khi đó, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới và hoạt động vận tải hàng hóa cũng có sự thay đổi lớn.
Đánh giá về công tác vận tải hàng hóa trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, giải pháp “luồng xanh” đã phát huy tương đối tốt công năng của mình trong công tác đảm bảo vận tải hàng hóa qua các địa phương có dịch, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Dù vẫn còn bộc lộ không ít bất cập, sai sót trong công tác quản lý, vận hành nhưng không thể phủ nhận “luồng xanh” đã giúp khơi thông hàng hóa, cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm và máy móc, thiết bị phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của các địa phương vùng dịch.
PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế nhận định, đảm bảo cho vận tải hàng hóa được lưu thông thông suốt chính là điểm mấu chốt trong việc khôi phục kinh doanh sản xuất, mở cửa lại nền kinh tế sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát.
“Covid-19 đã khiến nền kinh tế thiệt hại nặng nề, đây là điều không phải bàn cãi. Do đó, cần lập tực vực dậy nền kinh tế ngay khi dịch bệnh dần được kiểm soát là điều rất quan trọng. Phải tranh thủ từng phút, từng giây để khôi phục kinh doanh sản xuất. Bất cứ giờ phút nào cũng đều rất quý giá với nền kinh tế” – PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng lưu ý, công tác xây dựng kịch bản đảm bảo vận tải hàng hóa trong tình hình mới, khi dịch bệnh dần được kiểm soát cũng phải được nghiên cứu, tính toán hết sức kỹ lưỡng, tỉ mỉ để tránh những bất cập phát sinh không cần thiết.
Trong đó, cần lưu tâm nhất là phải tạo sự nhất quán, đồng bộ trong lưu thông, hạn chế tình trạng mỗi địa phương yêu cầu một loại giấy phép người, giấy phép xe trong vận tải.
“Đấy chính là điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua, khi triển khai giải pháp “luồng xanh” tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Đây là bài học nhãn tiền mà chúng ta phải tránh” – PGS.TS Ngô Trí Long nhắc nhở.
Phương án vận tải hàng hóa trong tình hình mới cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới và tại tất cả các địa phương ngay từ đầu (Ảnh: Lê Thanh).
Bài học nhãn tiền
Trước yêu cầu của tình hình mới, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đang giao cho các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông vận tải trong tình hình mới.
Lần này, kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải sẽ đươc nghiên cứu để thực hiện trên cả 5 lĩnh vực giao thông là đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hàng. Mục đích nhằm đảm bảo giao thông, đảm bảo công tác vận tải an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội để bắt đầu chạy thử nghiệm trên phần mềm quản lý dân cư quốc gia từ ngày 17/9, phấn đấu tích hợp việc cấp và quản lý QR Code phương tiện vận tải trên phần mềm. Dự kiến việc chạy thử này sẽ được thực hiện vào cuối tháng 9 tới.
Đối với các địa phương, Sở GTVT các tỉnh, TP có trách nhiệm  tăng cường công tác quản lý, có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp, lái xe có giấy nhận diện ưu tiên để chở người và hàng hóa trái phép.
Bên cạnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vận tải đường thủy nội địa và các tuyến vận tải ven bờ, Sở Giao thông Vận tải các địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Cục Đường thủy nội địa, Cục Hàng hải để kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, an toàn.
“Phương án tổ chức giao thông lần này sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương. Sau khi thống nhất, các Bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc triển khai theo nguyên tắc chung, không được tạo ra bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp” – Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT phải sẵn sàng phương án góp ý vào kế hoạch của Bộ. Trong đó, phải chú trọng xây dựng phương án tổ chức giao thông kết nối với các ga, bến cảng, bến xe và cảng hàng không, tổ chức giao thông đối với các phương tiện cá nhân.
Với các cơ quan chức năng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị ngăn chặn quyết liệt hơn nữa hiện tượng các phương tiện có giấy nhận diện ưu tiên để chở người và hàng hóa trái phép, phải có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp, lái xe cố tình vi phạm.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, trong quá trình xây dựng kịch bản, phương án đảm bảo giao thông, vận tải lần này, Bộ GTVT cần rút kinh nghiệm triệt để từ những bất cập, sai sót khi triển khai “luồng xanh” trước đó. Chuyên gia Bùi Danh Liên nhấn mạnh hai vấn đề quan trọng nhất cần lưu ý. Thứ nhất là kịch bản, phương án được xây dựng phải đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán ngay từ đầu, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, mỗi địa phương “đẻ” ra thêm một quy định mới. Thứ hai là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt để “nhặt” hết những “hạt sạn” trong chính các cơ quan quản lý, vận hành.
“Sự việc một cán bộ trong Tổng cục Đường bộ Việt Nam bị phát hiện cấp trái phép hàng ngàn thẻ “luồng xanh” xảy ra trong thời gian vừa qua chính là bài học còn nguyên giá trị” – chuyên gia Bùi Danh Liên khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần