Tính thuyết phục của phương án 2+2
Theo phương án thi Bộ GD&ĐT công bố, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ còn 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm; nội dung thi bám sát Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
GS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, hai từ khóa lớn nhất để chọn phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 là giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội. Phương án thi được xây dựng dựa trên 3 nhóm nguyên tắc: bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; bám sát các quy định liên quan của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học hiện hành và mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Cùng với đó, phương án thi cũng bảo đảm tính kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015 – 2023; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.
Từ năm 2019, sau khi ban hành Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức nghiên cứu, đề xuất phương án thi. Từng bước từ xây dựng, xin ý kiến, quyết định phương án… đều bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của ngành giáo dục.
Nêu ý kiến về việc giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là việc từng bước chuyển nền giáo dục nặng về ứng thí chuyển sang nền giáo dục thực dạy, thực học, thực nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và thực tiễn xã hội.
Mỗi phương thức thi đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định và dù lựa chọn phương án nào thì cũng phải hội đủ, đáp ứng nhiều tham số. Việc tổ chức kỳ thi theo phương án 2+2 không chỉ giảm áp lực, giảm tốn kém mà quan trọng là đánh giá đúng năng lực của học sinh, bảo đảm chất lượng, đủ độ tin cậy cùng những yếu tố khác. Sau khi công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai phương án này bảo đảm yêu cầu, tiến độ đề ra.
Về lộ trình thực hiện, Bộ GD&ĐT cho biết, giai đoạn 2025 – 2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước.
Lấy học sinh làm trung tâm
Em Nguyễn Hải Linh, học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông chia sẻ, em rất vui khi biết phương án 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi lựa chọn. Tuy nhiên với Linh, phương án này lại làm hạn chế tổ hợp môn thi với nhóm học sinh học đều và muốn thử sức với nhiều môn. “Năm trước với bài thi Khoa học tự nhiên/Khoa học xã hội, thí sinh có cơ hội xét tuyển nhiều tổ hợp hơn là chỉ thi 4 môn như phương án thi từ 2025; đồng nghĩa với việc thí sinh không còn rộng cửa với các tổ hợp so với trước” - Linh chia sẻ.
Về thắc mắc này, GS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, nguyên tắc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại không cho phép thí sinh thi hơn 2 môn lựa chọn. Phương án thi từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn đã tạo ra 36 tổ hợp môn. Nếu thí sinh muốn đăng ký nhiều hơn 2 môn lựa chọn, tỷ lệ này không cao trong khi gây tốn kém, lãng phí. Thực tế, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng với 1 tổ hợp xét tuyển, do đó việc thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn là không cần thiết.
Việc loại ngoại ngữ ra khỏi môn thi bắt buộc có làm chất lượng dạy, học tiếng Anh đi xuống và điều này có đang đi ngược xu hướng hội nhập quốc tế không? GS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, môn ngoại ngữ trong Chương trình GDPT 2018 được chú trọng, cụ thể, ngay từ lớp 3 các em đã được học, đến bậc THCS, THPT, ngoại ngữ đều là môn học bắt buộc và được kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng.
Trong quá trình từ năm lớp 3 đến lớp 12, các em đều được học, lựa chọn môn ngoại ngữ mà mình thích và định hướng. Đó chính là nền tảng quan trọng nhất cho các em bổ sung, nâng cao năng lực, phẩm chất về ngoại ngữ. Nói cách khác, lựa chọn phương án 2+2, môn ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc không có nghĩa là giảm đi vai trò của môn học này.
Khi đưa ra phương án thi 2+2, Bộ GD&ĐT đã tính đến nhóm đối tượng thi trượt tốt nghiệp năm 2024 sẽ tham dự thi lại tốt nghiệp năm 2025 để lấy Bằng tốt nghiệp THPT như thế nào? Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, thí sinh học chương trình nào sẽ thi chương trình đó. Dù có thi tốt nghiệp lại với lứa học sinh học chương trình mới thì nội dung đề thi, cách thức ra đề thi của các em vẫn được thực hiện theo chương trình cũ, đề thi của nhóm thí sinh thi lại sẽ riêng, khác biệt với đề của lứa học sinh học chương trình mới.
Còn về quyền lợi xét tuyển đại học khi từ kỳ thi năm 2025 không còn môn ngoại ngữ, trong khi các trường đang coi trọng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy nêu rõ, quy chế tuyển sinh đại học đã được giữ ổn định trong 2 năm qua. Dù thi như thế nào các trường vẫn phải bảo đảm nguyên tắc xét tuyển công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Thí sinh thi tốt nghiệp năm nào thì ngoài phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, các em còn có thể tham gia kỳ thi đánh giá tư duy, năng lực do các trường tổ chức; tham gia xét tuyển bằng học bạ, bằng phương thức kết hợp và nhiều phương thức khác.
Song song với việc xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu cấu trúc, định dạng ngân hàng đề thi. Dự kiến trong quý IV/2023, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề minh họa để học sinh, giáo viên, các nhà trường có định hướng dạy học. Thông thường, đề minh họa sẽ được công bố vào thời điểm học sinh học lớp 12 nhưng phương án thi mới có thể công bố sớm, lấy nội dung, kiến thức lớp 10, 11 giúp giáo viên, học sinh hình dung được cấu trúc, hàm lượng kiến thức.
Không phải khi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, học sinh mới học ngoại ngữ và ngược lại, nếu không thi, học sinh sẽ lười biếng, mất gốc. Thực tế, không ít học sinh học ngoại ngữ chính là tiếng Anh nhưng lại giỏi ngoại ngữ khác. Việc học môn nào đó, không hẳn là để thi mà liên quan đến định hướng nghề nghiệp và con đường học tập sau này của các em. Nếu học chỉ để đi thi thì thái độ học của học sinh sẽ mang tính chống đối, không mang tính thực chất, lâu dài.
Hiệu trưởng Trường THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất)
Nguyễn Hữu Khương