Reuters đưa tin các nhà phân tích năng lượng nhận định rằng việc các nước phương Tây loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT có khả năng đẩy giá dầu nhảy vọt lên hơn 100 USD/thùng do rủi ro giao dịch dầu của Nga tăng đột biến.
Trong ngày 26/2, Mỹ, châu Âu và Canada nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT. “Điều này sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng trên bị tách rời khỏi hệ thống tài chính quốc tế và gây ảnh hưởng tới khả năng hoạt động trên toàn cầu," tuyên bố chung của các quốc gia nêu rõ.
Hiện nay, SWIFT đã liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. SWIFT giúp các ngân hàng trên thế giới là thành viên của SWIFT chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin thông qua mã giao dịch gọi là SWIFT code. Các thành viên trao đổi thông tin/chuyển tiền cho nhau dưới dạng các SWIFT message, là các bức điện được chuẩn hóa dưới dạng các trường dữ liệu, ký hiệu để máy tính có thể nhận biết và tự động xử lý giao dịch.
Các nhà giao dịch và phân tích thị trường cho biết hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nga, từ dầu mỏ, kim loại đến ngũ cốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt mới của phương Tây đối với Moscow. Họ cho rằng dòng chảy hàng hóa từ Nga sang phương Tây sẽ bị gián đoạn hoặc tạm dừng trong nhiều ngày, thậm chí có thể kéo dài vài tuần do chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt chống Moscow.
Nga là nhà cung ứng năng lượng chủ chốt trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu. Nga chiếm khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu. Mặc dù các biện pháp trừng phạt mới nhất không tác động trực tiếp với lĩnh vực năng lượng, nhưng các chuyên gia nhận định sẽ có tác động lan truyền đáng kể.
Chuyên gia Amrita Sen từ công ty tư vấn Energy Aspects nói rằng giá dầu Brent chắc chắn sẽ quay trở lại ngưỡng kỷ lục 100 USD/thùng, và có khả năng nhảy vọt lên 105 USD/thùng. "Thậm chí, giá dầu thế giới có thể nhanh chóng leo lên ngưỡng 110 USD mỗi thùng," bà Sen nói với Reuters.
Trong khi đó, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết: “Nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu gia tăng đáng kể sau khi phương Tây thông báo loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT”. Theo chuyên gia này, giá dầu trong ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh lượng tồn kho thấp và công suất dự phòng ngày càng giảm.
Trong tuần trước, giá dầu Brent lần đầu tiên thiết lập mức 105 USD/thùng kể từ giữa năm 2014 khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu được triển khai. Tuy nhiên, giá “vàng đen” quay đầu giảm xuống dưới 100 USD/thùng khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/2.
Sang phiên giao dịch ngày 28/2, giá dầu tiếp tục leo dốc hơn 7 USD, sau khi căng thẳng leo thang tại Ukraine và nguy cơ các nước phương Tây cùng Nhật Bản tăng cường trừng phạt nhằm vào các ngân hàng Nga. Giá dầu Brent tăng 3,95 USD, hay 4%, lên 101,88 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 105,07 USD/thùng vào đầu phiên. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng 4,55 USD, hay 5%, lên 96,14 USD/thùng, sau khi giao dịch ở mức 99,1 USD/thùng. Giá dầu này lên đến 100,54 USD/thùng trong tuần trước.
Diễn biến mới cùng với những hạn chế thanh toán qua ngân hàng đã làm gia tăng lo ngại nguồn cung từ nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới có thể bị gián đoạn khi Nga có những động thái mới sau khi triển khai chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine.
“Các biện pháp trừng phạt với ngân hàng sẽ khiến Nga khó bán dầu ra quốc tế. Thị trường dầu toàn cầu đang đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng trong bối cảnh cung - cầu đang được thắt chặt” - nhà phân tích hàng hóa cao cấp Daniel Hynes tại ngân hàng ANZ cho hay.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 27/2 cho biết nước này sẽ tham gia cùng các đồng minh phương Tây trong việc ngăn chặn một số ngân hàng của Nga vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Dự kiến, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh – bao gồm cả Nga – dự kiến họp trong tuần này để quyết định chính sách sản lượng trong tháng 4/2022. Liên minh này đang tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Theo đài Ekhbariya, ngày 27/2, Ả Rập Saudi đã xác nhận cam kết trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ với Nga. Tuyên bố trên được Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm Chủ nhật.
Thái tử Salman khẳng định Ả Rập Saudi quan tâm đến sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ cũng như giữ nguyên cam kết của nước này đối với thỏa thuận sản lượng của nhóm OPEC+.