Qatar sẽ thay thế nguồn cung khí đốt Nga tại châu Âu?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho biết Nga đang cung cấp khoảng 30%-40% tổng lượng khí đốt cho thị trường thế giới.

Theo đài RT, ông Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm Chủ tịch và Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng quốc gia QatarEnergy, nói rằng nước này không thể thay thế Nga cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu.

Qatar thừa nhận không thể thay thế nguồn cung khí đốt Nga tại châu Âu. Ảnh: Getty
Qatar thừa nhận không thể thay thế nguồn cung khí đốt Nga tại châu Âu. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Al-Kaabi cho biết Nga đang cung cấp khoảng 30%-40% tổng lượng khí đốt cho thị trường thế giới. Qatar sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí của Nga.

Ông Al-Kaabi nhấn mạnh rằng “năng lượng nên đứng ngoài lĩnh vực chính trị," đồng thời khẳng định Qatar sẽ không đứng về phía nào trong cuộc xung đột Ukraine.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh gần đây, Mỹ và nhiều quốc gia đã tăng cường tiếp cận Qatar, một trong những nước sản xuất khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, để chuyển hướng nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong trường hợp xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Mới đây, EU thông báo đặt mục tiêu cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Hiện khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ ở châu Âu.

Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, EU và Mỹ hôm 25/3 đã ký thỏa thuận khí đốt, theo đó Washington sẽ cung cấp ít nhất 15 tỷ m3 khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm 2022.

Cũng trong ngày 25/3, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thông báo tại Brussels rằng Mỹ và EC sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để giúp EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, lực lượng đặc nhiệm sẽ “làm việc nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU để chuẩn bị cho mùa đông tới và những mùa đông tiếp theo”. Mục tiêu dài hạn nhằm đảm bảo Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU khoảng 50 tỷ m3 LNG mỗi năm ít nhất tới năm 2030.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá năng lượng tại châu Âu, vốn đã tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2021 do nguồn dự trữ thấp, tiếp tục tăng lên mức kỷ lục.

Giá khí đốt tại châu Âu cũng tăng mạnh trong tuần này sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng rúp với “những quốc gia không thân thiện”, trong đó có tất cả các nước thành viên EU. Tại trung tâm giao dịch khí đốt Hà Lan, giá gas giao ngay khi chốt phiên giao dịch ngày 25/3 tăng 0,90 euro lên mức 103,20 euro/MWh.

Trong thông báo mới nhất, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25/3 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble đối với các hợp đồng mua khí đốt của khách hàng châu Âu. Gazprom hiện còn 4 ngày để để triển khai hệ thống thanh toán mới, chuyển đổi các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD được thanh toán bằng đồng USD.