Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Qatar sẽ thiếu hụt thực phẩm vì bị cắt quan hệ ngoại giao

Lan Hương (Theo Gulf News)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế của 4 nước vùng Vịnh với Qatar có thể dẫn đến tình trạng thiếu thốn lương thực.

Gần 90% thực phẩm của Qatar là từ nhập khẩu, với khoảng 40% là qua biên giới đường bộ với Ả Rập Saudi.
“Việc các nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar sẽ khiến giá thực phẩm leo thang do thiếu hụt”, Christian Henderson - Chuyên gia lương thực tại Đại học SOAS tại London (Anh) dự báo.
 Người dân Qatar xếp hàng mua thực phẩm.
Thịt, rau và các thực phẩm tươi sẽ bị ảnh hưởng nặng. Hiện, một số hãng truyền thông địa phương đã đưa tin về việc người dân “cuống cuồng” đi mua nước, đồ đông lạnh, đồ hộp và các vật dụng thiết yếu khác.
Doha đã từng trải qua tình trạng khan hiếm gia cầm trầm trọng trong quá khứ, gần đây nhất là vào năm 2012 khi Ả Rập Saudi ngừng xuất cả các sản phẩm thịt để ổn định giá nội địa. Thời điểm đó, Qatar đã buộc phải nhập khẩu gà từ Bulgaria.
Theo Monique Naval - Chuyên gia ngành thực phẩm tại Euromonitor International, ngành công nghiệp thực phẩm đóng gói tại Qatar có thể bị ảnh hưởng nặng nề với sau sự kiện cắt đứt ngoại giao ngày thứ Hai.
Qatar đang phụ thuộc quá nhiều đối với hàng nhập khẩu từ các nước vùng Vịnh và sự leo thang căng thẳng gần đây sẽ là mối đe dọa lớn đối với an ninh kinh tế của Doha, chuyên gia từ Euromonitor Internationa cho hay.
Theo một báo cáo nghiên cứu về an ninh lương thực và nước ở Qatar hồi năm 2015, quốc gia này hầu như không sản xuất lương thực thực phẩm do nguồn nước khan hiếm và điều kiện khí hậu khắc nghiệt.