Quá tải tuyến trên, đìu hiu tuyến dưới

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt dịch bệnh xuất hiện cùng một thời điểm khiến nguy cơ dịch chồng dịch trong những tháng cuối năm rất cao, tình hình dự báo hết sức phức tạp.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bệnh viện tuyến trên quá tải bệnh nhân. Thế nhưng trái ngược với tình cảnh này, tại các bệnh viện tuyến dưới lại thưa vắng bệnh nhân, có cơ sở y tế còn nằm "đắp chiếu".

Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực giảm quá tải bệnh viện (BV), tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhưng có một nghịch lý đang xảy ra là trong khi các BV tuyến trên luôn quá tải thì các BV tuyến cơ sở lại vắng bệnh nhân.

Lý giải về nghịch lý này, lãnh đạo một số BV cho biết, hiện nay, tâm lý người dân hay lo lắng thái quá nên dù nhân viên y tế tại các tuyến y tế cơ sở có tuyên truyền chăm sóc sức khỏe rất kỹ và tốt nhưng người dân vẫn lo lắng và lên tuyến trên.

Nguyên nhân có thể là tại nhiều cơ sở y tế chưa giải quyết tốt những vướng mắc về chuyên môn hay trang thiết bị, nguồn nhân lực nên bệnh nhân vượt tuyến, dẫn tới hiện tượng lượng bệnh nhân tăng 200 - 300% so với các năm trước.

Đáng lo, số lượng và chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế tuyến dưới còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít. Trạm y tế xã, phường chỉ thực hiện được 50 - 70% dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến.

Ngoài ra, BV tuyến dưới không phát triển các kỹ thuật mới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người dân tại địa phương. Trong khi nhu cầu của người bệnh cần được chăm sóc về y tế ngày càng cao.

Thực tế, những khó khăn về nhân lực, tài chính, trang thiết bị của y tế cơ sở đã tồn tại từ rất lâu, là lực cản không nhỏ đến việc hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Bên cạnh đó, việc phân tuyến Bộ Y tế đưa ra chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Nói cách khác, khi chất lượng giữa các tuyến không đồng đều thì người dân sẽ đổ về các BV lớn, dẫn đến BV lớn quá tải, kéo theo đó chất lượng KCB sẽ giảm xuống, ngược lại BV tuyến cơ sở thưa thớt, vắng vẻ.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chỉ rõ nhiều hạn chế, tồn tại ngành y tế cần tập trung xử lý như: Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế; tình trạng nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc tại cơ sở y tế công lập; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; tình trạng quá tải ở BV...

Liên quan đến vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay, nhân lực y tế chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở KCB còn nhiều bất cập.

Thực tế cho thấy, mặc dù chúng ta phân thành 3 cấp chuyên môn nhưng người bệnh không lựa chọn cấp cơ sở, chọn tuyến tỉnh, T.Ư vì được thông tuyến bảo hiểm. Điều này tạo ra tình trạng quá tải ở T.Ư, còn địa phương thì bỏ trống. Do đó, việc sửa đổi Luật KCB cần hướng đến việc giảm quá tải tuyến trên, trong khi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân lại chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, cần làm rõ khái niệm y tế cơ sở để có sự đầu tư cho phù hợp.

Bên cạnh đó, để giảm quá tải BV tuyến trên, phải nâng cao chất lượng KCB của tuyến dưới, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý BV, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, KCB từ xa, cần đầu tư nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.

Đặc biệt, để giảm tải, bắt buộc phải có sự phân tuyến rõ ràng tại các cơ sở y tế, nếu bệnh nhẹ thì cơ sở y tế tuyến dưới có thể đảm đương được. Đây là những nhiệm vụ quan trọng mà ngành y tế cần nỗ lực để “chuyển mình” hơn nữa, làm sao để không còn tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên.