Quá trình tái thiết Libya

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh chiến sự tại Libya vẫn chưa đi đến hồi kết, Hội nghị "Những người bạn hữu của Libya" đã diễn ra hôm 1/9, tại Pháp với sự tham gia của 63 nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Kịch bản thời hậu Gaddafi

 

Mặc dù đây là hội nghị quốc tế đầu tiên về Libya sau khi chính quyền của ông Gaddafi sụp đổ được tổ chức nhằm hậu thuẫn cho chính quyền non trẻ do Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) thành lập, nhưng nhiều nhà phân tích nhận định, hội nghị này là để phân chia lợi ích giữa các bên có liên quan.

 

Sau khi Hội nghị tại Paris kết thúc, đại diện tại Anh của NTC cho biết, dự kiến cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội sẽ được tiến hành vào đầu năm 2013. Tuy nhiên, không có điều gì đảm bảo chắc chắn rằng cuộc bầu cử này sẽ diễn ra một cách êm đẹp. Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon khẳng định: "Tương lai của Libya phải do người dân Libya quyết định và chọn lựa". Nhưng, một số nhà phân tích lại nhận định rằng: Khởi động tiến trình tái thiết bằng cuộc gặp mặt giữa các nước phương Tây sẽ gây khó khăn trong việc chính quyền mới của Libya thiết lập một kế hoạch đồng thuận và nhận được sự chấp nhận của dân chúng. Đặc biệt, việc tranh giành ảnh hưởng của nhiều phe phái trong nội bộ NTC sẽ là nguy cơ lớn nhất khiến tiến trình chuyển đổi quyền lực và tái thiết Libya thất bại. Ngay khi cuộc chiến tại Libya bắt đầu nổ ra, các nhà phân tích đã cho rằng: "Việc lật đổ một chế độ độc tài sẽ dễ dàng hơn so với việc thiết lập nên một chế độ mới". Bản thân Anh và Pháp, hai nước đồng chủ trì Hội nghị về Libya lần này cũng ý thức được rằng: "Iraq là một ví dụ thành công về chiến dịch quân sự, nhưng lại thất bại trong chuyển giao chính trị" nên bài học mà phương Tây rút ra được là: "Phải đứng bên cạnh NTC nhưng không áp đặt bất cứ điều gì cho họ".

 

"Sặc mùi dầu lửa"

 

Liên quan đến vấn đề phân chia chiếc bánh lợi ích tại Libya, nhật báo L'Humanité của Pháp cho rằng, Hội nghị Paris lần này "sặc mùi dầu lửa" do các quốc gia tham gia đều không muốn từ bỏ cơ hội khai thác vị trí địa lý chiến lược và nguồn "vàng đen" giàu có của nước này. Mặc dù, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đã lên tiếng phủ nhận về sự có mặt của một "thoả thuận ngầm" giữa Paris và NTC, nhưng tờ Libération cho biết, chỉ 17 ngày sau khi Hội đồng Bản an LHQ thông qua Nghị quyết 1973 mở đường cho động thái can thiệp quân sự vào Libya, văn bản "có đi có lại" trên đã được ký kết. Theo đó, "35% tổng sản lượng dầu thô được sản xuất tại Libya sẽ bán cho Pháp. Đổi lại, Paris sẽ ủng hộ toàn diện và thường trực cho NTC tại Hội đồng Bảo an". Từ cuối tháng 8, sau khi NTC chiếm được Tripoli, các tập đoàn dầu mỏ của Italia, Pháp, Anh, Hà Lan, Mỹ,... đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch nối lại hoạt động khai thác và sản xuất dầu mỏ tại Libya. Bên cạnh Phương Tây, Nga và Trung Quốc - hai nước vốn có "vấn đề" với NTC khi phản đối can thiệp quân sự vào Libya cách đây nửa năm đã buộc phải lựa chọn một thái độ phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích của mình. Ngay trước khi Hội nghị Paris diễn ra, Moscow đã chính thức công nhận NTC là đại diện hợp pháp cho nhân dân Libya, trong khi đó, Bắc Kinh đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố tỏ rõ thiện chí góp phần tái thiết đất nước Bắc Phi này.

 

Trong khi các nước phương Tây đang bận tranh giành lợi ích tại Libya, viễn cảnh về một tương lai bất trắc của quốc gia Bắc Phi này vẫn hiện hữu khi ông Gaddafi liên tiếp phát đi thông điệp kêu gọi "chiến đấu bền bỉ, dài lâu và để Libya bị nhấn chìm trong biển lửa".