Quận 2 sẽ là trung tâm mới của TP.HCM

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP.HCM vừa ban hành Quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025.

Theo đó, tổng diện tích tự nhiên toàn TP là 2.095,5 km2. Đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 90.000 - 100.000 ha, trong đó, khu vực nội thành khoảng 49.000 ha và khu vực ngoại thành khoảng 40.000 - 50.000 ha.

Đất xây dựng sẽ được phát triển theo từng thời kỳ 2010-2015, 2015-2025 và được tiến hành cắm mốc để quản lý; tiến hành cắm mốc các ranh giới phát triển đô thị trung tâm, các đô thị mới, hành lang xanh và vùng cảnh quan tự nhiên. Đất chưa xây dựng sẽ được cắm mốc xác định ranh giới diện tích để quản lý, trong quá trình phát triển chưa khai thác đến vẫn được sử dụng như hiện trạng tránh xáo trộn về công ăn việc làm, ảnh hưởng an sinh xã hội.
Quận 2 sẽ được phát triển là khu trung tâm thành phố mới của TPHCM.
Quận 2 sẽ được phát triển là khu trung tâm thành phố mới của TPHCM.
TP.HCM quy định khu vực nội thành cũ bao gồm 13 quận: quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận với tính chất, chức năng là Khu trung tâm thành phố (trung tâm chính trị, thương mại dịch vụ, tài chính, văn hóa, lịch sử).

Khu vực nội thành phát triển gồm 6 quận: quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân; trong đó quận 2 là Khu trung tâm thành phố mới, các quận còn lại là khu đô thị cải tạo nâng cấp và phát triển.

Khu vực ngoại thành bao gồm 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ), trong đó phát triển 2 khu đô thị mới quy mô lớn là khu đô thị Tây - Bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn (có diện tích khoảng 6.000 ha) và Khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè có diện tích khoảng 3.900 ha.

TP phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển, cụ thể: TP phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp TP tại bốn hướng phát triển. TP phát triển với hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam.

TP không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi; phát triển đô thị gắn với mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần