Quận Ba Đình xác định đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, làng nghề là một trong những chương trình trọng tâm nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm du lịch. Hiện nay, quận đang chú trọng xây dựng phương án phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề và xây dựng trung tâm giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP, làng nghề nhằm góp phần hoàn thiện hệ sinh thái du lịch trên địa bàn quận.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận Ba Đình có bề dày lịch sử gắn với Thăng Long - Hà Nội, nay còn để lại những dấu ấn của khu vực 13 Làng Trại từ thời Lý với mật độ đậm đặc các di tích; nhiều địa điểm hấp dẫn như: Hoàng thành Thăng Long, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, Cột cờ Hà Nội, chùa Một Cột và hai tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa là đền Quán Thánh, đền Voi Phục; bên cạnh đó là khu phố Pháp với các kiến trúc nhiều giá trị…
“Với nhận thức đó, UBND quận đang tập trung xây dựng và triển khai Đề án phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn với mong muốn trở thành một điểm đến hội tụ đầy đủ các yếu tố đa dạng, phong phú, từ lưu trú, tham quan, trải nghiệm, đến mua sắm và giải trí” - ông Tạ Nam Chiến chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình, với nhiều tiềm năng, thế mạnh về dịch vụ ẩm thực và chiều sâu về văn hóa, lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa, quận Ba Đình đang tập trung xây dựng Trung tâm quảng bá sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP và các không gian giới thiệu về ẩm thực Việt Nam tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã, kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng liền kề như đền Quán Thánh, Chùa Trấn Quốc, Cầu Long Biên… và khu phố Kinh doanh dịch vụ - đi bộ Ngọc Khánh sắp khai trương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Xác định phát triển du lịch phải mang tính bền vững, lợi ích của Nhà nước và cộng đồng song hành với lợi ích kinh tế cho người dân, các khu vực phát triển kinh tế du lịch được lựa chọn trên cơ sở các nhân tố kinh tế sẵn có được thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển du lịch đi đôi với gìn giữ môi trường, vệ sinh đô thị, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
Đến quý I/2024, quận Ba Đình đã có 16 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 7 sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ được phân hạng 4 sao, 3 sản phẩm truyền thống (cốm xào, bánh cốm, bánh xu xê Hàng Than) và 6 sản phẩm thực phẩm khác đạt 3 sao.
Ngoài các sản phẩm đã đạt OCOP, quận Ba Đình còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng, đặc biệt là về ẩm thực như: trà, bánh mì, phở, các loại bánh dân tộc truyền thống… Theo khảo sát, số lượng sản phẩm tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP của quận Ba Đình trong giai đoạn trước mắt dự kiến hàng chục sản phẩm.
Bên cạnh phát triển các sản phẩm OCOP, trong những năm qua, quận Ba Đình đã quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đặc biệt là văn hóa của các làng trại trong Thập Tam Trại - vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc địa giới quận Ba Đình. Cùng với Thập Tam Trại, vùng đất Ba Đình xưa còn là nơi hội tụ của rất nhiều ngành nghề thủ công tinh xảo phục vụ việc xây dựng Hoàng thành Thăng Long.
Đối với Trúc Bạch, phường có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử với làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, làng nghề dệt lụa và nhiều tiềm năng, lợi thế về dịch vụ ẩm thực. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn phường hiện mới có 2 sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã (đều đạt 4 sao). Do đó, phường còn rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP, làng nghề.
Ngoài ra, phường có nhiều sản phẩm hiện là thế mạnh của các cơ sở kinh doanh có thương hiệu như: phở Châm, phở cuốn Hương Mai, phở cuốn Hưng Bền, phở cuốn 31; lẩu ếch của cơ sở kinh doanh Phong Ớ…; nhóm các loại trà ướp hoa (hoa sen, hoa nhài, hoa lan, hoa bưởi…) của Công ty TNHH Đảo Ngọc Thăng Long.
Bên cạnh đó, UBND phường tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn khôi phục và phát triển nghề dệt lụa và đúc đồng nổi tiếng trong lịch sử. Đây là những sản phẩm tiềm năng cần khai thác, phát triển thành sản phẩm OCOP để phát huy giá trị thương mại, quảng bá văn hóa lịch sử địa phương, tăng doanh thu của các cơ sở kinh doanh và ngân sách địa phương.
Phường Trúc Bạch có hệ thống giao thông thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành thương mại, du lịch, với 17 tuyến phố, là phường có số lượng tuyến phố nhiều thứ 2 của quận Ba Đình. Phường tiếp giáp nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của Thành phố Hà Nội như đường Thanh niên, đường Yên Phụ, phố Quán Thánh.
Phường có tuyến xe buýt du lịch 2 tầng (City tour) chạy qua, liền kề 2 điểm đỗ dịch vụ xe đạp công cộng TN-Go, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và đặc biệt là khách du lịch tiếp cận Khu phố ẩm thực cũng như các điểm tham quan du lịch, dịch vụ trên địa bàn phường.
Trong những năm qua, hệ thống đường, ngõ, vỉa hè trên địa bàn phường Trúc Bạch cơ bản đã được cải tạo nâng cấp đảm bảo đồng bộ. Hệ thống cáp điện, cáp viễn thông cơ bản đã được hạ ngầm. Đặc biệt, phường đã hoàn thành chỉnh trang 6 vườn hoa, đang chuẩn bị đầu tư chỉnh trang 1 vườn hoa, đảm bảo 100% các vườn hoa trên địa bàn xanh sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu dân sinh và tạo cảnh quan hấp dẫn phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Sau khi quận Ba Đình khai trương Khu phố ẩm thực Đảo Ngọc – Ngũ Xã, du khách đến với khu phố đông hơn nhiều so với thời gian trước, đặc biệt là du khách nước ngoài. Du khách đến đây không chỉ được thưởng thức các món ăn ở đây mà còn mong muốn được trải nghiệm các hoạt động liên quan để có cơ hội được tìm hiểu lịch sử văn hóa ẩm thực, cũng như đời sống của người dân địa phương.
Xác định được những lợi thế là tiềm năng đó, quận Ba Đình, phường Trúc Bạch đã xây dựng phương án phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề và xây dựng Trung tâm giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP, làng nghề tại khu vực Đảo Ngọc - Ngũ Xã.
Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, do trên địa bàn phường không còn điểm đất đủ điều kiện để xây dựng công trình, nên sẽ tổ chức Trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề bằng hình thức các toa xe lưu động đặt tại những điểm phù hợp xung quanh hồ Trúc Bạch (thuộc phố Trúc Bạch và Trấn Vũ).
Với lợi thế có cảnh quan đẹp, các vườn hoa, đường dạo đồng bộ, đặc biệt tuyến đường ven hồ Trúc Bạch là nơi du khách từ các điểm tham quan như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc đến với Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã, nên du khách sẽ dễ dàng tiếp cận với các toa xe lưu động.
Các toa xe lưu động sẽ là nơi để giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, là điểm để cung cấp thông tin du lịch của quận Ba Đình nói riêng, TP Hà Nội nói chung đến với du khách trong và ngoài nước.
Mỗi toa xe được xây dựng là một “bảo tàng về ẩm thực” - là không gian giới thiệu về những món ăn, thức uống và sản phẩm OCOP đặc sắc của Việt Nam như: trà, cà phê, phở, bánh mì… được thiết kế 2 tầng với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại.
Tầng 1 của các toa tàu điện là không gian trưng bày các hiện vật, mô hình, tranh, ảnh, tài liệu… giúp du khách tìm hiểu về nguyên liệu, công thức, dụng cụ, phương pháp chế biến các món ẩm thực, kết hợp với giới thiệu thông tin du lịch và quảng bá các sản phẩm OCOP, làng nghề của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình và các địa phương khác.
Tầng 2 sẽ là nơi du khách trải nghiệm thực tế các sản phẩm. Việc thiết kế, vận hành các toa xe đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm.
Trong thời gian hoạt động thí điểm, mô hình toa xe lưu động đã thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương, đặc biệt là khách quốc tế đến thăm quan, thưởng thức. Đặc biệt các bạn trẻ đều thể hiện sự thích thú với trải nghiệm mới mẻ này. Trải nghiệm không gian ẩm thực thời bao cấp tại toa xe lưu động trên hồ Trúc Bạch, bạn Nguyễn Nhật Anh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Em thấy đây là một mô hình rất hay và ý nghĩa, giúp cho những người trẻ như em có thể hiểu thêm về văn hóa ẩm thực Việt Nam. Em sẽ giới thiệu cho nhiều người bạn của mình cùng đến đây và trải nghiệm”.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2024, Trung tâm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP, làng nghề Đảo Ngọc Ngũ Xã sẽ có 5 toa xe đặt xung quanh hồ Trúc Bạch, sẽ góp phần giúp du khách vừa đi bộ tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên hồ Trúc Bạch, vừa khám phá văn hóa, lịch sử địa phương và mua sắm các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề.
Trung tâm cũng sẽ được liên kết với các điểm bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP trên địa bàn phường Trúc Bạch và quận Ba Đình, hình thành mạng lưới giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch của quận.
Có thể thấy, việc tổ chức quảng bá, giới thiệu về ẩm thực Việt Nam, các sản phẩm OCOP, làng nghề trên toa xe 2 tầng là hình thức mới lạ, hiện đại góp phần thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế đến với phường Trúc Bạch nói riêng và quận Ba Đình nói chung.
Đây cũng là địa điểm để tổ chức các sự kiện liên quan đến quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm du lịch, OCOP, làng nghề nhằm thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, qua đó giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của các tỉnh, thành trong cả nước.
Song, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cũng cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao sản phẩm du lịch phải hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của du khách, khiến họ muốn họ muốn lưu trú lâu hơn để có những trải nghiệm mới lạ, với những nét đặc sắc về ẩm thực, lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Thời gian tới, bên cạnh việc bổ sung các dự án chỉnh trang đô thị, quận Ba Đình sẽ tăng cường các giải pháp phát triển du lịch, gắn với Đề án phát triển các sản phẩm du lịch quận Ba Đình.
Trong đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng mới các sản phẩm OCOP, phấn đấu đạt từ 3 sao trở lên; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và Trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề.
Phối hợp với các trung tâm quảng bá sản phẩm OCOP, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đưa các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của các địa phương trên cả nước về giới thiệu và tiêu thụ trên địa bàn quận.
14:10 01/06/2024