Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này luôn được đánh giá ở mức độ cao trong tất cả lĩnh vực quản lý Nhà nước. Những năm vừa qua, không ít cán bộ, công chức đã bị xử lý, khởi tố, bắt giam và lĩnh án tù vì liên quan đến đất đai.
Thống kê của Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2022, hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất đã được xử lý, thu hồi thông qua công tác thanh tra, kiểm toán; gần 44.700 tập thể, cá nhân bị xử lý trách nhiệm; gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội được chuyển cho cơ quan điều tra.
Mới đây nhất, tại TP Hồ Chí Minh, hàng loạt cán bộ nguyên là lãnh đạo Thành phố bị khởi tố, bắt giam do liên quan đến đất đai. Tháng 7 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng truy tố đối với nhiều đối tượng, trong đó có cả nguyên lãnh đạo TP do "vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Tất cả liên quan đến sai phạm chuyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và 169.229m2 đất của dự án Khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, quận 7 từ Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Đây là đất công, được giao cho Công ty Tân Thuận quản lý. Quá trình chuyển nhượng dự án, các bị can không thẩm định giá, không đưa ra đấu giá, trái quy định của pháp luật, gây thất thoát cho nhà nước hơn 730 tỷ đồng…
Trước đó, hàng loạt nguyên cán bộ lãnh đạo công tác ở các đơn vị tại Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Phước, Hà Nội, Hải Phòng… cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì sai phạm trong lĩnh vực đất đai. Nguyên nhân đều do các cá nhân đã thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu; quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, khóa XIII tổ chức ngày 21/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất đai là vấn đề rất phức tạp nhưng không làm không được và cần phải nghiên cứu một cách rất tổng thể.
Nhiều người giàu lên vì đất, nghèo đi cũng vì đất, đoàn kết cũng có, mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ cũng vì đất, sai phạm, tù tội cũng liên quan tới đất. Đây là vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên cũng không được cầu toàn, không nóng vội" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để tiếp tục chấn chỉnh, đưa công tác quản lý đất đai vào nền nếp, tránh thất thoát tài nguyên, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản yêu cầu thanh tra các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về kết quả thanh tra những sai phạm ở các dự án nhà ở chuyển đất từ doanh nghiệp Nhà nước trước ngày 30/10/2022.
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vi phạm ở các dự án nhà ở có chuyển đổi đất của doanh nghiệp Nhà nước. Trong quá trình các nhà máy, trụ sở doanh nghiệp Nhà nước đưa ra khỏi khu vực trung tâm đô thị đã có hàng loạt khu “đất vàng” được chuyển từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu tư nhân, gây thất thoát tài sản quy mô lớn.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, thông báo hàng loạt dự án có dấu hiệu vi phạm cần làm rõ trên địa bàn cả nước, trong đó tại Hà Nội như: Dự án 167 Thụy Khuê (Five Star West Lake - Tập đoàn GFS); Dự án 69 Vũ Trọng Phụng (Rivera Park Hà Nội của Công ty Long Giang Land); Dự án 47 Nguyễn Tuân (Goldseason 47 Nguyễn Tuân - TNR Holdings Việt Nam); Dự án 108 Nguyễn Trãi (Dự án King Place của Anphanam); Dự án 44 Yên Phụ (Hanoi Aqua Central của Công ty Cổ Phần Tháp nước Hà Nội)...
Luật sư Hoàng Tùng - Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhìn nhận, lợi dụng những kẽ hở trong quy định của luật về cái gọi là quy trình đúng về mặt hình thức, một bộ phận cán bộ có thẩm quyền đã lợi dụng chức vụ thực hiện một số thủ đoạn “biến tướng của tham nhũng”. Để chặn đứng hành vi này, cần có những quy định cấm cụ thể, rõ ràng, đưa ra chế tài chi tiết xử phạt nặng, thật nghiêm khắc.