Quản chặt kinh doanh vàng miếng: Có tạo ra độc quyền?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng quản lý chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân.

Siết chặt kinh doanh

Theo dự thảo, để được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp (DN) phải có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất... Việc sản xuất vàng miếng cũng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần. Đối tượng được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng cũng bị thu hẹp theo hướng DN phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trở lên.

Theo dự thảo, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các Tổ chức tín dụng (TCTD) và DN được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Mặt khác, NHNN sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Hoạt động kinh vàng trên tài khoản tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây bất ổn thị trường vàng, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và quyền lợi của người dân. Do vậy, việc cho phép thực hiện các hoạt động này phải tùy thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ.

'Hiện, hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện khá tự do tại hầu hết 12.000 DN kinh doanh vàng, gây khó khăn cho công tác quản lý và tăng nguy cơ vàng hóa. Một số DN lợi dụng chức năng kinh doanh vàng trong giấy phép để môi giới, tổ chức các sàn giao dịch vàng nhỏ làm chân rết cho các sàn vàng lớn, liên kết với nhau làm giá, đầu cơ trên thị trường, hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, tung tin thất thiệt ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để đầu cơ trục lợi.

Dự thảo này cũng cho phép NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN trình cơ quan có thẩm quyền kiến nghi và ban hành các chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ.

Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: Dự thảo được xây dựng nhằm mục đích là bảo đảm an toàn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giúp tăng cường quản lý chất lượng vàng trên thị trường.

Nên cho nhiều doanh nghiệp tham gia

Dự thảo là vậy nhưng theo phản ảnh của nhiều DN kinh doanh vàng những tiêu chí mà NHNN đưa ra cho DN sản xuất vàng là quá khắt khe. Hiện nay, cả nước có 8 TCTD và DN  kinh doanh vàng được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng. Nhưng riêng sản phẩm vàng miếng của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã chiếm trên 90% thị phần vàng miếng cả nước. Việc NHNN yêu cầu DN muốn sản xuất vàng miếng phải có 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất thì dường như loại bỏ gần hết các doanh nghiệp, ngoại trừ SJC. Nếu Nghị định thông qua, hầu hết các doanh nghiệp đang sản xuất vàng miếng hiện nay sẽ bị đẩy ra khỏi "cuộc chơi”. Như vậy Nhà nước sẽ vô tình tạo điều kiện cho sự độc quyền trong việc sản xuất vàng miếng.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, việc quản chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng là một chủ trương đúng nhưng vấn đề là áp dụng trong điều kiện, bối cảnh cụ thể như thế nào cho phù hợp. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản đang có xu hướng giảm, mối quan tâm của nhà đầu tư có phần chuyển hướng sang vàng. Điều này cộng với việc nguồn cung vàng hạn chế góp phần làm cho thị trường vàng thêm căng thẳng. Việc giải quyết sự căng thẳng trên thị trường vàng cần tập trung vào vấn đề tâm lý, nếu người dân có được thông tin minh bạch sẽ không còn đổ xô đi mua bán trong thời điểm sốt vàng nữa và thị trường sẽ bớt nóng.

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Nhà nước nên cho nhiều tổ chức cùng tham gia sản xuất, đẩy tính cạnh tranh lên cao sẽ hạn chế được sự làm giá, độc quyền, gây méo mó thị trường vàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần