Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan chức Ấn Độ cảnh báo nguy cơ lạm phát gia tăng trở lại

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đối mặt với nhiều thách thức đang hiện hữu cũng như kết quả từ bầu cử Mỹ khiến quan chức lo ngại về khả năng bùng phát lạm phát trở lại.

Theo Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das, trong bối cảnh nhiều rủi ro đang xảy ra, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp nền kinh tế hạ cánh mềm. Tuy nhiên, ông cảnh báo về nguy cơ lạm phát quay trở lại và suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das. Ảnh: CNBC
Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das. Ảnh: CNBC

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo toàn cầu của CNBC-TV18 ở Mumbai, ông Das đánh giá các chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã phát huy hiệu quả trong những năm gần đây, bất chấp xung đột, căng thẳng địa chính trị và tình trạng bất ổn gia tăng. Ông cho biết dù việc hạ cánh mềm đã được đảm bảo, nguy cơ lạm phát quay trở lại và suy giảm tăng trưởng vẫn còn hiện hữu. Theo chuyên gia này, thế giới vẫn đang đối mặt với những thách thức từ xung đột địa chính trị, sự phân mảnh của nền kinh tế, biến động giá hàng hóa và biến đổi khí hậu.

Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Das đã chỉ ra những mâu thuẫn đang xảy ra trên thị trường toàn cầu, bao gồm việc đồng USD tăng giá bất chấp động thái cắ giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng USD so với sáu loại tiền tệ lớn, đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Sự biến động của đồng USD diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư và kinh tế thận trọng trước những tác động của việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đối với chính sách lãi suất của Mỹ. Với những lo ngại về việc các mức thuế thương mại cao hơn và chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn, các nhà phân tích dự báo điều này có thể làm tăng lạm phát, từ đó buộc Fed phải cân nhắc lại việc cắt giảm lãi suất trong dài hạn. Fed đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất thứ hai trong tháng này và theo dự đoán của các chuyên gia, cơ quan này sẽ tiếp tục cắt giảm vào tháng 12 tới.

Ông Das cũng lưu ý về việc lợi suất trái phiếu chính phủ đang tăng, mặc dù nhiều nền kinh tế tiên tiến đã áp dụng chính sách nới lỏng thông qua việc cắt giảm lãi suất. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố cả trong nước lẫn quốc tế. Ngoài ra, ông Das cho biết dù căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng, thị trường tài chính vẫn chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể.

Dự báo về thương mại toàn cầu, ông cho biết thương mại quốc tế dự kiến sẽ duy trì mức cao hơn trong năm nay so với năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn từ các biện pháp thuế quan, lệnh trừng phạt và các hạn chế biên giới. Về tình hình kinh tế Ấn Độ, ông cho rằng tốc độ tăng trưởng của nước này vẫn ổn định, và lạm phát sẽ giảm bớt. Ông nhận xét nền kinh tế Ấn Độ đã vượt qua nhiều biến động và thể hiện khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trong bối cảnh nhiều thách thức liên tục xảy ra.

Trong một phiên thảo luận khác tại hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, Piyush Goyal, đã kêu gọi Ngân hàng dự trữ Ấn Độ nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Khi được hỏi về khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng tới, ông Goyal cho rằng RBI nên thực hiện động thái này để kích thích động lực tăng trưởng. Quan chức này nhận định Ấn Độ vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa. Trong khi đó, RBI giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 6,5% vào tháng 10 và theo nhiều chuyên gia, ngân hàng này sẽ sớm hạ lãi suất trong thời gian tới.