Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quân đội Niger bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quân đội Niger tuyên bố lật đổ chính phủ của Tổng thống Mohamed Bazoum và áp lệnh giới nghiêm toàn quốc.

Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: timeafricamagazine
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: timeafricamagazine

Theo Reuters, trong tuyên bố trên truyền hình Niger ngày 26/7, nhóm cận vệ của Tổng thống Mohamed Bazoum tuyên bố phế truất chính trị gia này sau khi giam lỏng ông trong vài giờ tại dinh Tổng thống.

"Chúng tôi, các lực lượng quốc phòng và an ninh... đã quyết định chấm dứt chế độ của Tổng thống Mohamed Bazoum Bazoum,” Đại tá-Thiếu tá Amadou Abdramane cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình, xung quanh là 9 binh sĩ mặc quân phục khác.

Họ cho biết "tất cả các tổ chức" trong nước sẽ bị đình chỉ, biên giới bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm đã được áp dụng "cho đến khi có thông báo mới".

Lực lượng cận vệ cảnh báo chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài, đồng thời khẳng định sẽ đảm bảo an toàn cho Tổng thống Bazoum.

Các nguồn tin khu vực cho biết, tối 26/7, lối vào Dinh thự của Tổng thống Niger Mohamed Bazoum ở thủ đô Niamey đã bị các thành viên của lực lượng tinh nhuệ bảo vệ Tổng thống phong tỏa.

Quân đội Niger đã đưa ra tối hậu thư, tuyên bố sẵn sàng tấn công lực lượng cận vệ nếu Tổng thống Bazoum không được trả tự do.

Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 quốc gia, ra tuyên bố lên án "âm mưu đảo chính", kêu gọi lực lượng cận vệ thả ông Bazoum ngay lập tức và vô điều kiện.

Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, chính phủ Mỹ cùng một số quốc gia cũng đã lên tiếng về vụ việc, hối thúc các bên liên quan lập tức khôi phục trật tự Hiến pháp tại Niger.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 26/7 “bày tỏ sự ủng hộ vững chắc của Mỹ” với Tổng thống Bazoum. Ông nhấn mạnh rằng "quan hệ kinh tế-an ninh mạnh mẽ giữa Mỹ và Niger phụ thuộc vào khả năng duy trì quản trị nền dân chủ, cũng như tôn trọng pháp quyền và nhân quyền”.

Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ trích bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây bất ổn cho nền dân chủ và đe dọa sự ổn định của quốc gia châu Phi này. Đồng thời, khối này đồng thuận với tuyên bố từ Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), phê phán âm mưu gây bất ổn và đảo chính ở Niger.

Chính phủ Pháp cho biết nước này "lên án mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm giành chính quyền bằng vũ lực" hoặc "gây bất ổn" cho Niger.

Theo AFP, tối 26/7, Tổng thống Benin Patrice Talon đã tới Niger để thực hiện việc trung gian hòa giải vụ Tổng thống Bazoum bị lực lượng cận vệ bắt giữ.

Vụ bắt giữ Tổng thống Niger là cuộc đảo chính thứ 7 tại khu vực Tây và Trung Phi kể từ năm 2020, có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực của phương Tây nhằm giúp các quốc gia ở khu vực Sahel chống lại cuộc nổi dậy của các phần tử thánh chiến đến từ Mali.