Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hà Đông: Xử lý vi phạm quanh “Hồ Đầm Khê” theo kiểu… đối phó

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Báo Kinh tế & Đô thị (ngày 30/11) đã đăng bài “Quận Hà Đông (TP Hà Nội): “Hồ Đầm Khê” bị… bức tử”, phản ánh việc quận Hà Đông đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hồ Đầm Khê thành hồ sinh thái. Nhưng, do buông lỏng quản lý khiến nơi đây bị chiếm dụng làm của riêng.

Ngay sau khi đăng tải bài viết, UBND quận Hà Đông cùng phường Hà CầuQuang Trung cũng như Xí nghiệp thoát nước số 8 đã tiếp thu ý kiến, tổ chức nhiều cuộc họp và ra quân triển khai xử lý hàng loạt vi phạm quanh hồ Đầm Khê. Tuy nhiên, qua kiểm tra của phóng viên và khảo sát thông tin từ phía người dân thì việc xử lý chưa hiệu quả, mang tính đối phó.

Toàn bộ khu vực vỉa hè gần Trường Mầm non của phường Hà Cầu và hội trường Tổ dân phố 5 bị chiếm dụng làm lều lán trông xe ô tô trái phép suốt ngày đêm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ gây bức xúc cho dư luận
Toàn bộ khu vực vỉa hè gần Trường Mầm non của phường Hà Cầu và hội trường Tổ dân phố 5 bị chiếm dụng làm lều lán trông xe ô tô trái phép suốt ngày đêm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ gây bức xúc cho dư luận

Ngày 8/12 (sau gần 10 ngày đăng tải bài viết) phóng viên trở lại khu vực quanh hồ Đầm Khê để kiểm chứng thông tin việc UBND quận Hà Đông cùng phường Hà Cầu và Quang Trung cũng như Xí nghiệp thoát nước số 8 vào cuộc xử lý hàng loạt nhưng vi phạm đã được báo Kinh tế & Đô thị phản ánh, nhận thấy nơi đây vẫn rất nhếch nhác và phản cảm.

Một trong những vị trí đắc địa khu vực vỉa hè đầu hồ Đầm Khê bị chiếm dụng làm của riêng để kinh doanh cà phê giải khát kiếm lời bất chính đã được xử lý nhưng chưa dứt điểm
Một trong những vị trí đắc địa khu vực vỉa hè đầu hồ Đầm Khê bị chiếm dụng làm của riêng để kinh doanh cà phê giải khát kiếm lời bất chính đã được xử lý nhưng chưa dứt điểm

Hàng loạt vi phạm tồn tại suốt thời gian qua vẫn chưa được các đơn vị   kiên quyết xử lý dứt điểm. Đặc biệt, tình trạng một số đối tượng chiếm dụng toàn bộ khu vực vỉa hè phía trước cổng Nhà văn hóa Tổ dân phố 5 và Trường Mầm non Hà Cầu để làm lều lán tạm trông giữ hàng chục chiếc xe ô tô cả ngày lẫn đêm kiếm lời bất chính đang tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Một trong những vị trí vỉa hè quanh hồ sinh thái Đầm Khê đang trở thành địa điểm mở quán ăn sáng
Một trong những vị trí vỉa hè quanh hồ sinh thái Đầm Khê đang trở thành địa điểm mở quán ăn sáng

Còn một số quán cà phê, giải khát và quán ăn cũng trong tình trạng tương tự. Toàn bộ vỉa hè cũng được chiếm dụng làm của riêng để bàn ghế và xe máy, xe ô tô phục vụ việc kinh doanh khiến người dân đi bộ qua đây chỉ còn cách đi xuống lòng đường. Một số nhà hàng khi đông khách, xe máy, ô tô cũng để luôn dưới lòng đường khiến lòng đường nơi đây vốn dĩ đã hẹp nay càng chật hẹp hơn.

Từ sáng đến tối chủ nhà hàng "Dũng ộp" vẫn chiếm dụng vỉa hè để bàn ghế kinh doanh ăn uống khiến người dân bức xúc
Từ sáng đến tối chủ nhà hàng "Dũng ộp" vẫn chiếm dụng vỉa hè để bàn ghế kinh doanh ăn uống khiến người dân bức xúc

Đặc biệt hơn, khu vực giáp ranh với khu dân cư phường Quang Trung xuất hiện nhà hàng ăn uống có tên “Dũng ộp” hoạt động từ sáng đến đêm với lượng khách khá đông mỗi ngày thường xuyên gây mất ANTT đã được nêu trong số báo trước, đến nay việc xử lý gần như vẫn còn nguyên càng thêm gây bức xúc cho công luận(?).

Lều lán bằng khung sắt mái tôn được chủ nhà hàng "Dũng ộp" chiếm dụng làm của riêng để chăn nuôi gia cầm vẫn chưa được xử lý, tháo dỡ dứt điểm
Lều lán bằng khung sắt mái tôn được chủ nhà hàng "Dũng ộp" chiếm dụng làm của riêng để chăn nuôi gia cầm vẫn chưa được xử lý, tháo dỡ dứt điểm

Chỉ có núi phế thải vật liệu xây dựng khu vực vỉa hè nằm ở phía sau Bệnh viện Hà Đông đã được các đơn vị của quận Hà Đông thu dọn vận chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên tại đây, những đống rác thải vẫn còn tồn tại khiến ruồi muỗi vo ve cả ngày đã và đang gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư, cho Bệnh viện và ảnh hưởng cho người dân đi tập thể dục quanh hồ sinh thái Đầm Khê.

Hệ thống rào chắn bằng tre và gỗ để bảo vệ rau trồng quanh hồ Đầm Khê gây nhếch nhác, phản cảm
Hệ thống rào chắn bằng tre và gỗ để bảo vệ rau trồng quanh hồ Đầm Khê gây nhếch nhác, phản cảm

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, sinh sống gần hồ Đầm Khê chia sẻ: Việc UBND quận và doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí đầu từ xây kè, làm đường gom và vỉa hè là việc làm mang đầy ý nghĩa để người dân được hưởng thụ môi trường trong lành quanh hồ sinh thái. Còn việc thiếu trách nhiệm của các đơn vị liên quan suốt thời gian qua cũng cần được UBND quận làm rõ.

Sau khi được nhắc nhở, nhiều chủ xe ô tô vào các nhà hàng không để dưới lòng đường nhưng lại chiếm dụng vỉa hè...
Sau khi được nhắc nhở, nhiều chủ xe ô tô vào các nhà hàng không để dưới lòng đường nhưng lại chiếm dụng vỉa hè...

Như đã phản ánh trong số báo trước, thời điểm năm 2010, UBND quận Hà Đông lập kế hoạch cải tạo, xây dựng các ao, hồ trên địa bàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan, chống tái lấn chiếm, trong đó có hồ Đầm Khê rộng hơn 5ha. Ban đầu, UBND quận vận động doanh nghiệp đầu tư xây dựng hồ bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Tình trạng câu cá quanh hồ Đầm Khê vẫn diễn ra hàng ngày gây nguy hiểm cho người dân đi tập thể dục quanh hồ
Tình trạng câu cá quanh hồ Đầm Khê vẫn diễn ra hàng ngày gây nguy hiểm cho người dân đi tập thể dục quanh hồ

Nhưng vì nhiều lý do doanh nghiệp đã không hoàn thành dự án như cam kết, đầu năm 2015 UBND quận phải thi công nốt hạng mục dang dở và triển khai giai đoạn 2. Cuối năm 2015, dự án xây dựng hồ hoàn thành với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Nhưng, do buông lòng quản lý khiến khu vực quanh hồ bị chiếm dụng làm của riêng buôn bán trên tài sản công của nhà nước kiếm lời.

Để giải quyết dứt điểm vi phạm, UBND quận Hà Đông cần quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm vi phạm trật tự công cộng, trả lại cảnh quan cho nơi đây. Còn, Xí nghiệp thoát nước số 8 vào cuộc, phối hợp với các đơn vị của quận Hà Đông xử lý dứt điểm tình trạng thả cá trong hồ Đầm Khê để đưa hồ trở về đúng nghĩa hồ sinh thái phục vụ Nhân dân.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.