Quận Hai Bà Trưng chuyển đổi số mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột
Kinhtedothi-Thực hiện xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, quận Hai Bà Trưng luôn dành sự quan tâm kịp thời đối với công tác chuyển đổi số và đã đạt những kết quả tích cực, toàn diện trên cả 3 trụ cột.
Theo lãnh đạo Phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng, 2024 là năm đầu tiên Hà Nội triển khai đánh giá kết quả thực hiện Bộ chỉ số chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước TP (DTI). Trên cơ sở kết quả thẩm định các quận, huyện, mức độ chuyển đổi số được đánh giá theo Nhóm 1- Chuyển đổi số tiên phong và Nhóm 2- Chuyển đổi số toàn diện. Quận Hai Bà Trưng được TP đánh giá thuộc Nhóm 1 (gồm 10 quận/huyện).
Chuyển đổi số tiên phong gồm những đơn vị thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), trong đó tiên phong, chủ động đề xuất triển khai thí điểm, có hiệu quả các mô hình chuyển đổi số điển hình nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, minh bạch hóa, cải thiện trải nghiệm của người dân và DN, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH (kết quả thẩm định DTI đạt trên 90%).
Tích cực triển khai giải pháp phát triển chính quyền số
Phó Trưởng Phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Dương cho hay, năm nay, từ quận đến 15 phường đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước, TP về chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 của Chính phủ "về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Qua đó, nhằm tạo đồng thuận, quyết tâm cao hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số.

Các tổ ''xung kích số'' trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hỗ trợ người dân trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số.
Quý I/2025, Cổng TTĐT quận đã đăng tải trên 100 tin, bài, clip; trang TTĐT 15 phường đăng trên 1.100 tin, bài, clip; trang Zalo OA quận đăng trên 80 tin bài, clip; trang Zalo OA của phòng trên 50 tin bài, video. Hệ thống 18 bảng tin điện tử màn hình LED cỡ lớn tại trụ sở UBND quận, Phòng VH-KH&TT, UBND 15 phường cũng đăng trên 30 video clip tuyên truyền sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong biên soạn tin, bài chuyển thành file âm thanh giọng đọc, các hình ảnh kèm chữ minh họa với màu sắc sinh động, dễ hiểu… nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tăng tương tác tới người dân. Ngoài ra, đăng tải tin, bài lên loa phường trên ứng dụng VNeID và tin truyền thông cảnh báo của quận, phường trên nền tảng “Công dân Thủ đô số” (iHanoi).
Quận cũng thường xuyên đăng quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của những đơn vị thuộc thẩm quyền lên Cổng TTĐT và hướng dẫn UBND các phường đăng quy trình giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền lên Trang TTĐT để công dân biết.
Nhằm phát triển dữ liệu số, quận Hai Bà Trưng là một trong số ít đơn vị của TP hoàn thành sớm việc số hóa kết quả giải quyết TTHC từ 31/12/2021 trở về trước; đã xây dựng “Hệ thống khai thác cơ sở dữ liệu kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của quận từ ngày 31/12/2021 trở về trước” và cấp quyền truy cập Hệ thống cho 100% cán bộ công chức “một cửa” quận, phường khai thác kết quả số hóa để giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền quận.
Quận cũng là một đơn vị đạt tỷ lệ cao trong cấp chữ ký số cá nhân, với 25.315 chữ ký đã cấp miễn phí cho công dân trên địa bàn (hoàn thành tỷ lệ 10% dân số trưởng thành).
Trong phát triển ứng dụng, dịch vụ, quận tiếp tục tích cực triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP; rà soát, đề xuất tích hợp các TTHC thiết yếu với công dân lên Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) bảo đảm thuận lợi cho công dân, DN giải quyết TTHC theo nhu cầu. 100% DVC được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cũng như công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng DVCTT.
Tích cực tuyên truyền cài đặt, sử dụng iHanoi và kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng này, đến nay quận là một trong số ít đơn vị thuộc TP có tỷ lệ người dân cài đặt iHanoi và người dân hài lòng với giải quyết tin phản ánh hiện trường cao nhất TP (188.890/185.663 người, 101,74%). Quận đã tiếp nhận 443 phản ánh hiện trường, đã xử lý 415 tin đúng quy định.

Thành viên các tổ chuyển đổi số cộng đồng phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn người dân thực hiện các nội dung liên quan chuyển đổi số.
Duy trì hiệu quả 25 mô hình chuyển đổi số điển hình
Bên cạnh “chính quyền số”, 2 trụ cột “kinh tế số” và “xã hội số” cũng được quận Hai Bà Trưng quan tâm phát triển thông qua những giải pháp đồng bộ; chủ động gắn mục tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số với các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH trong năm.
Triển khai hoạt động chuyển đổi số toàn diện, nổi bật trong lĩnh vực văn hóa - thông tin - du lịch, năm nay quận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên 18 bảng tin điện tử công cộng (màn hình LED cỡ lớn) nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục giới thiệu, quảng bá, số hóa dữ liệu, tạo không gian thăm quan ảo đối với 100% di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, đó là website “360o di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội”.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, quận đẩy mạnh kênh quảng bá, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của quận tới người dân qua website “Nhịp sống số Hai Bà Trưng”, trong đó thường xuyên cập nhật số hóa dữ liệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, điểm du lịch, di tích lịch sử, cơ quan Nhà nước… trên địa bàn. Cùng đó, tăng cường tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, như trong thanh toán phí, lệ phí giải quyết TTHC, giá dịch vụ trông giữ xe (đang thí điểm tại 14 điểm trông, giữ xe trên địa bàn)...
Về giáo dục đào tạo, nổi bật là quận tiếp tục triển khai chương trình dạy, học về kỹ năng số và STEM/STEAM trong cấp TH, THCS; các nền tảng dạy, học trực tuyến, kết nối, phục vụ trực tuyến toàn trình cho công tác dạy, học, thi cử... Đến nay 25/35 trường TH, THCS đã xây dựng thư viện số bảo đảm liên thông, trao đổi giữa thư viện của ngành với các cơ sở giáo dục và giữa các cơ sở giáo dục với nhau, với thư viện tại các phường và với Thư viện Quốc gia; phấn đấu 100% trường TH, THCS có thư viện số, xây dựng kho học liệu số phục vụ tốt nhất cho năm học 2024-2025.

Website giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa quận Hai Bà Trưng.
Năm 2025, quận tiếp tục triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử; dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa; tuyên truyền hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến người dân thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội hằng tháng…
Từng ngành, lĩnh vực đều tập trung hướng dẫn phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo hướng thiết lập môi trường phù hợp cho đổi mới sáng tạo; tăng cường chỉ đạo và sử dụng linh hoạt nguồn lực tài chính cho hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số; hình thành hệ sinh thái kinh tế số, xã hội số ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh hình thành công dân số và văn hóa số, năm nay tại quận tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà để tham gia khóa học về kỹ năng số cơ bản, đã mở 2 khóa đại trà cho người dân tham gia.
Đặc biệt, 15/15 phường đã thành lập 264 tổ chuyển đổi số cộng đồng tổ dân phố/264 tổ dân phố (tỷ lệ 100%), với tổng số 1.718 thành viên, tập trung vào những hoạt động: phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân, hướng tới phổ cập chuyển đổi số trong Nhân dân; hướng dẫn người dân tham gia các khóa học miễn phí về khóa đào tạo trực tuyến kỹ năng số cơ bản, truy cập Internet, đăng ký tài khoản, sử dụng DVCTT, y tế số, giáo dục số, mạng xã hội, mua bán trực tuyến; kỹ năng bảo mật thông tin trên không gian số…
Đầu năm nay, quận đã phối hợp sở chuyên ngành và các DN viễn thông rà soát những vị trí không có sóng, sóng lõm, sóng yếu trên địa bàn; phát triển mạnh mạng 4G, 5G và thế hệ mạng tiếp theo, băng rộng cố định, dịch vụ viễn thông, Internet, nhằm tạo thuận lợi cho người dân kết nối mạng phục vụ học tập, làm việc, giải trí…
Đáng chú ý, 25/25 mô hình chuyển đổi số điển hình của quận đã được các đơn vị triển khai, hoàn thành trong năm 2024, từ đó quận sẽ duy trì thực hiện những năm tiếp theo nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân.
Trích dẫn
“Quận sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân cài đặt, sử dụng iHanoi và xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên ứng dụng này; thường xuyên cập nhật nội dung truyền thông cảnh báo để Nhân dân tiếp cận thông tin về các địa điểm di tích lịch sử văn hoá, giới thiệu sản phẩm OCOP, du lịch, cửa hàng ăn uống... trên địa bàn.
Cùng đó, chú trọng triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án “Một số nhiệm vụ đột phá về chuyển đổi số TP Hà Nội năm 2025” và 3 kế hoạch trọng tâm của quận thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU “Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030” trên địa bàn quận”- Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền.
-1743229791.jpg)
Quận Hai Bà Trưng: kiểm tra sức khỏe cho hơn 11.000 trẻ mầm non, mẫu giáo
Kinhtedothi-Với 11.776 học sinh của 123 trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn được kiểm tra sức khoẻ, quận Hai Bà Trưng phấn đấu trên 98,5% học sinh được kiểm tra sức khoẻ trong đợt này.

Chính quyền địa phương 2 cấp vận hành gắn với chuyển đổi số
Kinhtedothi-Đó là một ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trong phiên họp về công tác chuyển đổi số của Bộ được tổ chức hôm nay, ngày 4/4, nhằm đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ, công tác Chuyển đổi số, Đề án 06 của Bộ Nội vụ.

Hà Nội: cán bộ Mặt trận tích cực ứng dụng chuyển đổi số
Kinhtedothi - Theo lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ Mặt trận TP và cơ sở tại hội nghị tập huấn về chuyển đổi số hôm nay thể hiện tinh thần ham học hỏi, không ngại đổi mới của cán bộ Mặt trận để tự tin bước vào kỷ nguyên mới.